Củng cố vị thế nông sản Việt trên thị trường quốc tế
Nông sản Việt đang dần khôi phục với những tín hiệu tích cực nhờ xu hướng thị trường thế giới cũng như nhu cầu tăng lên sau dịch Covid-19.
Đón nhiều tin vui những tháng đầu năm
Theo Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong 2 tháng ước đạt khoảng 8 tỷ USD, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm 2021. Trong số đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính ước đạt trên 3,2 tỷ USD, tăng 10,2%. Một số sản phẩm/nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng như: cà phê tăng 35,6%; cao su 6,6%; gạo 22,3%; hồ tiêu 43,8%…
Tuy nhiên, việc tăng này ở một số sản phẩm chủ yếu vẫn tăng ở khối lượng xuất khẩu. Điển hình như mặt hàng gạo, khối lượng và trị giá xuất khẩu gạo 2 tháng đầu năm đạt 906.000 tấn với 437 triệu USD, tăng 38,6% về khối lượng và tăng 22,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Như vậy, có thể thấy, sự tăng trưởng về khối lượng đang tăng mạnh hơn sự tăng về giá trị. Giá gạo xuất khẩu bình quân tháng 1/2022 đạt 486 USD/tấn, giảm 11,8% so với cùng kỳ năm 2021. Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam trong tháng 1/2022 với 44,8% thị phần.
Gần đây, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cũng như Thái Lan đầu có sự tăng trở lại. Giá gạo Việt Nam tăng được cho là do các đơn hàng từ Trung Quốc đang tăng lên nên hoạt động thương mại đang nhộn nhịp hơn và khiến giá tăng nhẹ.
Giới thương nhân cho rằng, giá gạo Hoa Kỳ đang tăng nhanh do gạo có thể sẽ trở thành một lựa chọn thay thế cho lúa mì – vốn đang trở nên rất đắt đỏ sau khi căng thẳng Nga-Ukraine gia tăng. Giá gạo Hoa Kỳ tuần qua đã tăng 4,2% lên 16,89 USD/100 lb (lb = 0,45359237 kg), cao nhất kể từ tháng 5 năm 2020.
Hay nhu cầu gạo tấm sẽ tăng lên trong thời gian tới, do giá ngô đang tăng, nên các nhà nhập có thể chuyển sang gạo tấm để thay thế cho ngô.
Trao đổi với Báo Tin tức, ông Nguyễn Anh Phong, Giám đốc Trung tâm Thông tin phát triển nông nghiệp nông thôn, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn đánh giá, tính liên thông của thị trường lương thực, thực phẩm Việt Nam với thị trường thế giới tốt nên những biến động cũng sẽ có tính liên thông. Tuy nhiên, yếu tố tác động giá trước hết là do chi phí đầu vào, đặc biệt là chi phí logistics. Liệu việc tăng giá nông sản thời gian tới có đến được người sản xuất hay phải bù vào chi phí logistics thì cần có sự đánh giá kỹ lưỡng.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), chất lượng gạo Việt Nam ngày càng được nâng cao. Với việc hạn ngạch 80.000 tấn ưu đãi thuế suất 0% từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) chưa được lấp đầy trong năm 2021, trong khi xu thế sử dụng gạo tại EU gia tăng, xuất khẩu gạo sang EU hứa hẹn còn nhiều cơ hội hơn nữa trong thời gian tới.
Với thị trường EU, không chỉ riêng mặt hàng gạo, Bộ Công Thương dự báo, cà phê, hạt điều, cao su, rau quả, hạt tiêu… tiếp tục sẽ là những mặt hàng đóng góp lớn vào tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản sang EU và sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2022.
Riêng về cà phê, mặt hàng này 2 tháng đầu năm có sự tăng mạnh về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái với mức tăng tới 35,6%. Tháng 2/2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ước đạt 2.337 USD/tấn, tăng 32,6% so với tháng 2/2021. Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ước đạt 2.299 USD/tấn, tăng 31,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Doanh nghiệp cần đầu tư chế biến sâu để lôi kéo thị trường
Phát biểu tại Diễn đàn "Kết nối doanh nghiệp kiều bào, thúc đẩy thương mại và đầu tư ngành nông nghiệp" do Bộ NN&PTNT phối hợp cùng Bộ Ngoại giao tổ chức mới đây, TS. Hoàng Mạnh Huê, Chủ tịch Liên hiệp Hội doanh nghiệp Việt Nam tại châu Âu, cho biết hiện nay, mối liên kết giữa cộng đồng người Việt ở châu Âu với các doanh nghiệp trong nước đang còn lỏng lẻo, dẫn tới việc các doanh nghiệp đang đánh mất rất nhiều cơ hội kinh doanh.
Để giải quyết việc này cần phát huy vai trò tổ chức, hiệp hội ngành nghề… trong nước trong việc tăng cường liên kết với các tổ chức, doanh nghiệp người Việt ở châu Âu thông qua các hội thảo, diễn đàn… để trao đổi thông tin.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Ngọc Luận, Giám đốc Meet More Coffee cho rằng, cần đề cao chế biến sâu, để phát triển giá trị gia tăng. Đây là yếu tố then chốt để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm với thị trường nội địa và quốc tế.
Theo ông Luận, cà phê Nông sản Việt là một sản phẩm khác biệt, giúp giải nhiều bài toán, đặc biệt là hỗ trợ tiêu thụ nông sản như hiện nay. Tuy nhiên, việc làm này hiện mới chỉ dừng ở mức tự phát và thiếu yếu tố mang tính bền vững.
Để thay đổi, ông Luận kiến nghị Chính phủ, Bộ NN&PTNT có chính sách khuyến khích cho doanh nghiệp trong nước tập trung nghiên cứu, đầu tư chế biến sâu và khác biệt để tạo ra các dòng sản phẩm đa dạng.
Liên minh xuất khẩu theo từng nhóm thị trường
Tại buổi tọa đàm "Để nông sản không bị ùn tắc ở cửa khẩu: Đâu là giải pháp căn cơ?" do Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức ngày 4/3 , Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan thông tin, mặc dù có trung tâm xuất khẩu nông sản rồi nhưng quan trọng nhất vẫn là tổ chức lại sản xuất, tổ chức lại hệ sinh ngành hàng, để đáp ứng nhu cầu chuẩn hóa từng loại thị trường như thị trường Trung Quốc, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản…, thị trường trong nước.
Chúng ta cũng phải tính đến một ngày nào đó tại thị trường trong nước, người tiêu dùng trong nước cũng không còn dễ tính nữa. Thực tiễn đòi hỏi chúng ta phải thay đổi rất nhiều.
Sắp tới Bộ NN&PTNT dự thảo đề án về xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc sau khi tham khảo ý kiến của các cơ quan ngoại giao và thương vụ Việt Nam bên Trung Quốc. Bộ NN&PTNT sẽ lấy ý kiến của Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, các Hiệp hội ngành hàng.
Đồng thời, Bộ NN&PTNT cũng xây dựng Đề án riêng cho thị trường EU. Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, việc cần làm là liên minh để xuất khẩu vì EU là thị trường tiềm năng rất lớn với 27 quốc gia. Chúng ta phải đi riêng từng nhóm thị trường. Từng nhóm thị trường đó phải củng cố Liên minh hiệp hội xuất khẩu từng thị trường để chia sẻ thông tin.
Mở đường lớn cho nông sản Việt
Theo thông tin từ Báo Chính phủ, trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn sẽ chủ trì, cùng bàn thảo với các cơ quan, hiệp hội, ngành hàng liên quan "để bắt đầu con đường chuyển từ tiểu ngạch sang chính ngạch" cho nông sản Việt.
"Mỗi sự thay đổi đều không đơn giản và đều phải có lộ trình. Nhưng nếu chúng ta không khởi hành thì sẽ không có kết thúc. Chúng ta sẽ phải tách bạch rõ các công việc trong công tác xuất khẩu nông sản. Việc nào Bộ, ngành Trung ương làm, việc nào địa phương làm, việc nào Hiệp hội ngành nghề làm.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải có cơ chế để hỗ trợ thêm trong quá trình "một bên đang giằng xé, một bên vẫn còn lợi ích xuất khẩu nông sản theo đường tiểu ngạch hay đường biên lối mở với những khó khăn đối với xuất khẩu chính ngạch. Tôi nghĩ mọi sự thay đổi đều khó khăn, nhưng nếu không thay đổi thì càng khó khăn hơn", Bộ trưởng Lê Minh Hoan chia sẻ thêm.
Mặc dù Việt Nam được coi là 1 trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, tuy nhiên tổng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản chỉ chiếm khoảng 1 - 2% giá trị nhập khẩu nông sản của Hoa Kỳ nên có thể thấy dư địa xuất khẩu còn rất nhiều. Nhất là khi Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ dự báo nhập khẩu nông sản trong năm 2022 của nước này có thể lên tới 165 tỷ USD.
Một số nhóm sản phẩm có tỷ trọng nhập khẩu lớn như: thủy sản, nông sản nhiệt đới, gia vị chiếm đến trên 90%; rau quả tươi, hạt thực vật, nước trái cây tỷ trọng nhập khẩu chiếm từ 20 - 50%. Những sản phẩm mà Việt Nam có thế mạnh cũng là nhóm hàng chiếm tỷ trọng nhập khẩu lớn.
Hương Anh (tổng hợp)