Đất đấu giá nóng trở lại, cẩn trọng những cơn "sốt ảo”

Đất đấu giá là “đất sạch”, pháp lý rõ ràng, giá khởi điểm thấp,… trong bối cảnh thị trường khan hiếm nguồn cung khiến loại hình này trở nên có sức hút.

Đất đấu giá nóng trở lại, cẩn trọng những cơn

Phiên đấu giá đất tại huyện Thanh Oai. Ảnh: Cao Nguyên

Những ngày qua, thị trường bất động sản đã chứng kiến những kỷ lục mới về các phiên đấu giá đất và giá trúng đấu giá ở các huyện ngoại thành Hà Nội như Thanh Oai, Quốc Oai, Hoài Đức… Số lượng hồ sơ đăng ký lớn, các phiên đấu giá đến nửa đêm, mức giá trúng đấu giá tăng vọt, cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm...

Mới đây nhất là phiên đấu giá 27 thửa đất tại quận Hà Đông được tổ chức đến hơn 23h đêm với giá trúng đấu giá đã được đẩy rất cao so với giá khởi điểm. Trong đó, lô đất có giá cao nhất ở mức hơn 262 triệu đồng/m2, chênh hơn 8 lần so với giá khởi điểm.

Lý giải về sức hút của đất đấu giá, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng, đất đấu giá là đất "sạch", không dính đến tranh chấp kiện tụng, một số bất động sản đã có sổ đỏ và hạ tầng. Đây là yếu tố quan trọng lấy được niềm tin của nhà đầu tư trong bối cảnh vấn đề pháp lý là rào cản khiến nhiều dự án đình trệ.

Đặc biệt, trong bối cảnh vài năm gần đây, Hà Nội gần như không có dự án mới, nguồn cung đất nền được dự báo cũng sẽ ngày càng khan hiếm, trong khi nhu cầu mua bất động sản, bao gồm cả nhu cầu mua để ở và đầu tư trong dân luôn ở mức cao. Sức hút của loại hình bất động sản này còn do mức giá khởi điểm thấp, số tiền cọc thấp, nhiều phiên đấu giá chỉ cọc từ 100 - 200 triệu đồng.

Tuy nhiên, ông Đính cũng cho rằng, mức giá trúng hơn 100 triệu đồng/m2, ở một số địa phương vùng ven, tại các vị trí có cơ sở hạ tầng, tiện ích không nổi bật là bất thường, vượt qua giá trị thực tế và cho thấy mục đích không lành mạnh của một số nhà đầu tư.

Vị chuyên gia phân tích, các nhà đầu tư tham gia các phiên đấu giá này là những người có "nghề" đấu giá đất, họ thường tham gia với mục đích "lướt sóng", trúng đấu giá rồi sang tay ngay để kiếm lời hoặc sẵn sàng bỏ cọc nếu thị trường không hưởng ứng.

Mục đích nguy hiểm hơn là tạo "sốt đất". Các cá nhân này lợi dụng việc đặt cọc đấu giá nhằm mục ích thổi giá các khu đất liên quan. Thậm chí bất chấp rủi ro, hợp thức hóa mức giá bằng cách thanh toán đầy đủ theo mức giá đấu trúng, để lấy mức giá này làm căn cứ kích giá đất ở các huyện vùng ven, kích giá đất nhiều nơi leo thang, thậm chí sốt ảo.

"Hệ lụy của các tình trạng này là giá bất động sản vốn đã cao nay lại càng tăng, khiến giấc mơ về nhà ở ngày càng xa vời với người dân, đặc biệt là người trẻ. Mức giá đấu tăng cao, vượt xa giá trị thật không chỉ gây khó khăn cho công tác thẩm định giá tài sản phục vụ các đợt đấu giá tiếp theo tại địa phương đấu giá mà còn tại nhiều nơi trên cả nước", Chủ tịch VARS đưa ra cảnh báo.

Vì vậy, để hoạt động đấu giá diễn ra minh bạch, Nhà nước cần sớm có thêm cơ chế kiểm soát hoạt động đầu cơ. Đồng thời, cơ quan chức năng cần phải thay đổi tư duy về nhà ở của người dân, để nhà ở là chỗ ở, giải quyết nhu cầu sinh sống của người dân chứ không phải là một tài sản tích lũy...

Lượt xem: 4
Nguồn:laodong.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan
Nội dung đang được cập nhật.