Dầu cọ lên ngôi, các nhà hoạt động môi trường lo ngại

Các nhà bảo vệ môi trường đang hết sức lo ngại nỗ lực cắt giảm các sản phẩm liên quan đến nạn phá rừng có thể bị vô hiệu hóa, trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine làm đứt đoạn nguồn cung dầu hướng dương, khiến các nhà sản xuất thực phẩm phải tìm kiếm sản phẩm thay thế.

Trước khi chiến sự xảy ra, Nga và Ukraine là hai quốc gia xuất khẩu dầu hướng dương lớn nhất thế giới. Dầu hướng dương được sử dụng trong nhiều loại thực phẩm như: Khoai tây chiên đông lạnh, bánh quy, mayonnaise, sữa bột trẻ em. 

Tuy nhiên, khi xung đột diễn ra, nguồn cung từ hai nước này bị gián đoạn. Không còn lựa chọn nào khác, nhiều nhà sản xuất thực phẩm buộc phải cân nhắc sử dụng trở lại dầu cọ và dầu đậu nành-vốn là những sản phẩm có thể gián tiếp dẫn đến nạn phá rừng.

 Dầu cọ bày bán tại siêu thị ở Subang Jaya, Malaysia, ngày 8-3. Ảnh: Reuters

Kiki Taufik, nhà vận động của tổ chức Greenpeace (Hòa bình xanh) ở Indonesia cho biết: “Dầu thực vật đạt mức giá cao kỷ lục, đó là tin xấu cho cả con người, rừng và các loài động vật hoang dã”.

Giá dầu hướng dương đã tăng vọt kể từ khi Nga triển khai hoạt động quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2 năm nay. Các cảng biển của Ukraine bị đóng cửa khiến gần như toàn bộ ngành công nghiệp thực phẩm xuất khẩu của nước này bị tê liệt. 

Trước tình trạng thiếu hụt nguồn cung ứng, chuỗi siêu thị Iceland của Vương quốc Anh tuyên bố sẽ đưa dầu cọ trở lại danh mục hàng hóa, dù họ thừa nhận dầu cọ là nguyên nhân dẫn đến nạn phá rừng và hủy hoại môi trường sinh thái ở khu vực Đông Nam Á.

Pietro Paganini, người đứng đầu công ty tư vấn dinh dưỡng bền vững Competere cho biết, Iceland không phải là chuỗi siêu thị duy nhất đã chuyển hướng, nhiều nhà phân phối bán lẻ khác cũng đang xem xét việc đưa trở lại sản phẩm dầu cọ trên các kệ hàng.

Theo Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), giá dầu cọ nói chung, dầu thực vật nói riêng đã tăng cao kỷ lục trong tháng 3, như một phản ứng tất nhiên của thị trường trước tình trạng thiếu hụt nguồn cung dầu hướng dương. Nhà hoạt động vì quyền bản địa người Indonesia Norman Jiwan cảnh báo: Giá tăng sẽ thúc đẩy việc mở rộng diện tích canh tác cọ, làm gia tăng tốc độ tàn phá rừng để lấy đất trồng trọt.

Các nhà bảo vệ môi trường cho rằng, việc sản xuất dầu cọ đã dẫn đến sự tàn phá các khu rừng cổ thụ, các quần thể động vật hoang dã, đồng thời làm gia tăng lượng phát thải carbon trong khí quyển.

Trước đó, theo kết quả điều tra của Tổ chức Hòa bình xanh, 25 công ty sản xuất dầu cọ lớn cung cấp cho các tập đoàn thực phẩm hàng đầu thế giới như Unilever, Nestlé, Colgate-Palmolive, Mondelez... đã phá hủy 130.000ha rừng nhiệt đới trong chưa đầy 3 năm. 40% vụ phá rừng diễn ra ở tỉnh Papua, Indonesia-một trong những khu vực đa dạng sinh học lớn nhất trái đất.

MAI VŨ

Tags: qdnd
Lượt xem: 214
Tác giả: admin1