Điểm sáng giữa suy thoái toàn cầu

Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới lần thứ 53 vừa diễn ra ở Davos (Thụy Sĩ), một trong những nội dung chính của các cuộc thảo luận là xoay quanh vấn đề suy thoái kinh tế toàn cầu, kể cả ở các nước phát triển. Trong bối cảnh đó, Ấn Độ nổi lên như một điểm sáng, theo nhận định của CNBC.

CNBC dẫn báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) cho hay, năm 2023 dự báo tăng trưởng GDP của Ấn Độ là 6,9%, đưa nước này trở thành một trong những nền kinh tế có mức tăng trưởng cao nhất toàn cầu. Dự báo được đưa ra căn cứ trên thực tế rằng nền kinh tế Ấn Độ có khả năng phục hồi cao trước các cú sốc suy thoái toàn cầu. Theo đó, Ấn Độ có thể vượt qua Đức và Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới trong thập kỷ tới, đạt 10 nghìn tỷ USD vào năm 2035.

Quốc gia Nam Á này cũng có tham vọng trở thành một trung tâm sản xuất chip toàn cầu. Hiện nước này đã dẫn đầu thế giới về thanh toán kỹ thuật số và đang tìm cách phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Thủ tướng Ấn Độ (giữa) tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Bali, Indonesia tháng 11-2022. Ảnh: The Diplomat 

Môi trường chính trị ổn định, cơ sở hạ tầng được chú trọng đầu tư, kiềm chế lạm phát tốt, an ninh năng lượng và an ninh lương thực được bảo đảm, nền kinh tế quy mô lớn với nguồn nhân lực dồi dào khi Ấn Độ vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới trong năm 2023... Tất cả yếu tố đó là nền tảng cho một tương lai đầy hứa hẹn trong phát triển kinh tế ở quốc gia này.

Theo tờ The Times of India, sức mạnh của Ấn Độ chính là nền ngoại giao độc lập. Là một thành viên trong Nhóm bộ tứ QUAD cùng với Mỹ, Nhật Bản và Australia, điều đó không ngăn cản Ấn Độ tham gia vào các cuộc tập trận quân sự với Nga cũng như duy trì nhập khẩu vũ khí và nhiên liệu từ Moscow. Dù vẫn còn những tranh chấp biên giới với Bắc Kinh, Ấn Độ luôn là một thành viên tham gia tích cực và sát cánh cùng Trung Quốc trong Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS).

Năm 2023 là một dấu mốc quan trọng với Ấn Độ khi nước này đảm nhiệm chức Chủ tịch luân phiên Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Với vai trò này, New Delhi có cơ hội đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình và củng cố cấu trúc và quản trị toàn cầu đối với tất cả vấn đề kinh tế lớn của thế giới. Là một nền tảng đa phương hàng đầu, G20 giữ một vai trò chiến lược trong việc bảo đảm sự thịnh vượng và tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong tương lai, bởi các quốc gia thành viên G20 chiếm tới hơn 85% GDP toàn cầu, 75% thương mại toàn cầu và 2/3 dân số thế giới. “Chức chủ tịch G20 mang đến cho Ấn Độ cơ hội chưa từng có để kiểm tra sức mạnh và uy tín của mình trong việc giải quyết trật tự toàn cầu bị phân mảnh”, tờ Politico nhận định. Ấn Độ đã lên kế hoạch tổ chức 200 cuộc họp của G20 trong nhiệm kỳ của mình, đưa quốc gia Nam Á này trở thành nhân tố quan trọng trong các chủ đề toàn cầu.

G20 là cơ chế đa phương mạnh mẽ có thành viên bao gồm cả các nước phát triển và đang phát triển với mục đích thảo luận và đưa ra các giải pháp cho những thách thức quản trị toàn cầu. Ấn Độ-trong vai trò chủ tịch luân phiên G20-có thể giúp các thành viên củng cố sự đồng thuận về các vấn đề toàn cầu quan trọng. New Delhi đã mạnh mẽ lên tiếng về nguyện vọng của các nước ở Nam bán cầu, vào thời điểm mà rất ít cường quốc có thời gian hoặc nguồn lực để hỗ trợ các quốc gia dễ bị tổn thương nhất, khi mà chính những cường quốc này cũng đang phải đối mặt với những thách thức nội tại chưa được giải quyết.

Các nhà hoạch định chính sách của Ấn Độ cũng đã nhấn mạnh vai trò mới nổi của Ấn Độ là động lực quan trọng thứ hai của tăng trưởng toàn cầu sau Trung Quốc. Tỷ trọng của GDP Ấn Độ trong GDP toàn cầu đã ở mức 7%, so với 18% của Trung Quốc và 16% của Mỹ. Đây được coi là điều thần kỳ bởi nó xảy ra vào thời điểm nền kinh tế  thế giới đang phải đối mặt với “những cơn gió ngược” do giá năng lượng và lương thực tăng cao, cùng nhiều hệ lụy từ cuộc chiến Nga-Ukraine. 

Quỹ đạo kinh tế tăng tốc và ổn định cũng mang lại cho Ấn Độ một vị trí khác biệt trong nền chính trị toàn cầu hiện nay. Phương Tây, bất chấp những khác biệt với Ấn Độ về vấn đề Ukraine, vẫn tiếp tục can dự thực chất với New Delhi trong nhiều lĩnh vực. Trên thực tế, mối quan hệ của Ấn Độ với các nước phương Tây đã phát triển tích cực trong thời gian qua, khi mà phương Tây đánh giá được sự trỗi dậy của Ấn Độ với tư cách là một bên tham gia địa chính trị và địa kinh tế đáng tin cậy trong thế kỷ 21.

HÀ PHƯƠNG

 

Tags: suy thoái
Lượt xem: 7
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan
Nội dung đang được cập nhật.