Giá dầu hạ nhiệt trước nguy cơ suy thoái kinh tế

Giá dầu đang rơi vào cuộc giằng co giữa nguồn cung thắt chặt do các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga, nguy cơ suy thoái kinh tế và nhu cầu sụt giảm.

Giá dầu Brent giao tháng 9 đã giảm 43 cent xuống còn 106,92 USD/thùng hôm 20/7, trong khi giá dầu thô West Texas Intermediate (WTI) của Mỹ giao tháng 8 giảm 1,96 USD xuống còn 102,26 USD/thùng. Hợp đồng dầu thô WTI giao tháng 9 giao dịch ở mức 99,88 USD/thùng, giảm 86 cent.

Giá sụt giảm trong phiên sau khi công ty năng lượng đến từ Canaada TC Energy cho biết đã cắt giảm hoạt động của đường ống dẫn dầu Keystone, một trong những tuyến xuất khẩu dầu lớn của nước này. Việc sửa chữa đường ống tiếp tục diễn ra tại một cơ sở ở bang South Dakota (Mỹ), gây quan ngại về nguồn cung nhiên liệu sẽ bị thắt chặt hơn nữa.

Giá dầu đã cực kỳ biến động trong thời gian gần đây, rơi vào cuộc giằng co giữa nguồn cung thắt chặt do các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga trong khi cuộc chiến chống lạm phát của các ngân hàng trung ương có thể làm suy yếu nền kinh tế toàn cầu và làm nhu cầu năng lượng giảm.

Dữ liệu của chính phủ cho thấy dự trữ xăng của Mỹ đã tăng 3,5 triệu thùng trong tuần trước, vượt quá dự báo của các nhà phân tích theo một cuộc thăm dò của Reuters về mức tăng 71 nghìn thùng. Dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm 446 nghìn thùng vào tuần trước. Nhập khẩu dầu thô của Mỹ tuần trước đạt trung bình 6,5 triệu thùng/ngày, thấp hơn so với 6,7 triệu thùng/ngày của một tuần trước nữa.

Ông Robert Yawger, Giám đốc điều hành phụ trách hợp đồng năng lượng tương lai tại Mizuho, nhận định: "Xăng dầu là mối quan tâm lớn. Mọi người thực sự không muốn trở lại giá xăng dầu hồi giữa mùa hè".

Hồi tháng 6, người dẫn Mỹ đã lần đầu tiên chứng kiến giá xăng trung bình toàn quốc tăng lên mức kỷ lục hơn 5 USD/gallon.

Thế giới - Giá dầu hạ nhiệt trước nguy cơ suy thoái kinh tế

Bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, cho rằng nhiều khả năng Nga sẽ chấm dứt nguồn cung khí đốt cho châu Âu. Ảnh: Getty Images.

Hôm 20/7, Ủy ban châu Âu (EC) đã kêu gọi 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) cắt giảm tự nguyện 15% lượng tiêu thụ khí đốt trong khoảng thời gian từ ngày 1/8 năm nay đến ngày 31/3 năm sau so với mức tiêu thụ trung bình cùng kỳ giai đoạn 2016 - 2021. Ủy ban cho biết có thể đưa mục tiêu này trở thành bắt buộc đối với tất cả các thành viên EU trong trường hợp tình trạng thiếu hụt khí đốt trở nên trầm trọng.

Bà Von der Leyen, Chủ tịch Uỷ ban châu Âu, nhận định việc Nga cắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt cho khối là “kịch bản có thể xảy ra”. Do đó, bà nhấn mạnh "tất cả các quốc gia thành viên EU cần tiết kiệm, tích trữ và sẵn sàng chia sẻ khí đốt" với các quốc gia khác trong khối.

Bà Velina Tchakarova, chuyên gia kinh tế của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (AIEA) có trụ sở tại thủ đô Viên, Áo, chia sẻ với hãng tin CNBC rằng Nga đang tăng cường sức ép đối với châu Âu bằng cách đóng băng nguồn cung khí đốt thông qua đường ống Dòng chảy Phương Bắc 1 (Nord Stream 1).

Bà Velina Tchakarova nói thêm rằng động thái này từ Nga "có thể xem như dấu hiệu báo trước của việc áp đặt lệnh cấm hoàn toàn khí đốt trước mùa đông. Công suất lưu trữ của châu Âu đã không được lấp đầy đến mức cần thiết, chính phủ các nước châu Âu phụ thuộc nhiều vào nguồn cung khí đốt của Nga có thể sẽ phải chịu áp lực kinh tế to lớn".

Phạm Hà Thanh (theo Reuters, CNBC)

Lượt xem: 86
Nguồn:nguoiduatin.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan
Nội dung đang được cập nhật.