Giá dầu thế giới lại tăng: Loạt diễn biến ;cộng hưởng; bóp nghẹt nguồn cung
Lo ngại nguồn cung trở nên hạn hẹp trước khả năng Nga bị các nước châu Âu cấm vận khiến giá dầu thô tăng trong phiên đầu tuần.
Cụ thể, đầu giờ sáng 18/4 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô của Mỹ tăng 1 USD lên 107,95 USD/thùng, dầu Brent tăng 1,48 USD lên 113,18 USD/thùng. Đến 15 giờ chiều 18/4 (giờ Việt Nam), dầu WTI của Mỹ giảm nhẹ về mức 106 USD/ thùng trong khi dầu Brent giao dịch ở 110,8 USD/ thùng, vẫn dao động quanh mốc 110 USD/ thùng.
Giá tăng do lo ngại về nguồn cung toàn cầu bị siết chặt hơn trong bối cảnh chiến sự ở Ukraine tiếp tục kéo dài và khả năng cao các nước châu Âu sẽ áp dụng lệnh trừng phạt nặng hơn đối với Nga.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) vào giữa tuần trước đã cảnh báo rằng mỗi ngày, nguồn cung dầu của Nga ra thế giới có thể giảm 3 triệu thùng dầu do tác động của lệnh cấm vận. Tuy nhiên, trong kịch bản các biện pháp trừng phạt nặng nề hơn được EU thông qua, từ tháng 5, con số này có thể tăng lên tới 7 triệu thùng dầu/ ngày.
Ông Kazuhiko Saito, nhà phân tích tại Fujitomi Securities Co Ltd. (̣Nhật Bản) nhận định: "Giá trên thị trường dầu dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong tuần này, do nguồn cung hạn chế từ các nhà sản xuất dầu lớn không đủ bù đắp dòng chảy dầu giảm từ Nga”.
Hãng thông tấn Interfax hôm 15/4 đưa tin sản lượng dầu xuất khẩu của Nga tiếp tục sụt giảm 7,5% trong nửa đầu tháng 4 so với hồi tháng 3.
Thêm vào đó, ở Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, chính sách "zero COVID" với các lệnh phong tỏa chưa được dỡ bỏ khiến việc vận chuyển dầu gặp khó khăn. Điều này làm dấy lên lo ngại về sự sụt giảm nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu tại quốc gia này, kéo theo việc giảm sản lượng tại các nhà máy.
Theo tính toán của Reuters, các nhà máy lọc dầu ở Trung Quốc có thể giảm sản lượng gần 1 triệu thùng/ngày trong tháng 4, tương đương với mức giảm 6,3% so với sản lượng trung bình trong vài tháng qua.
Bên cạnh đó, sự gián đoạn nguồn cung từ Libya cũng gây thêm sức ép cho nguồn cung dầu toàn cầu. Tập đoàn dầu khí quốc gia Libya ngày 17/4 thông báo đóng cửa mỏ dầu chính Al-Fil trong bối cảnh bế tắc chính trị có nguy cơ kéo quốc gia này trở lại giai đoạn xung đột vũ trang. Thông báo đóng cửa được đưa ra sau khi một nhóm người xâm nhập vào mỏ dầu và ngăn cản công nhân sản xuất dầu. Sự kiện này khiến tập đoàn không thể cung ứng dầu theo hợp đồng đã ký. Là thành viên OPEC có trữ lượng dầu nhiều nhất khu vực Bắc Phi, Libya đang sản xuất khoảng 1,2 triệu thùng dầu/ngày.
Ngoài ra, thông tin thỏa thuận hạt nhân mới với Iran đến nay vẫn chưa đạt được cũng tác động làm tăng giá dầu. Hy vọng thế giới được tiếp thêm hơn 1 triệu thùng dầu mỗi ngày từ Iran đang dần tiêu tan.
Nhiều chuyên gia cho rằng, động thái giải phóng 240 triệu thùng dầu, tương đương hơn 1 triệu thùng/ ngày từ các kho dự trữ dầu chiến lược của các thành viên IEA “khó có thể bù đắp” sự thiếu hụt nguồn cung ngày càng trầm trọng.
Trong nước, tại đợt điều chỉnh giá xăng dầu mới nhất hôm 12/4 của liên Bộ Công Thương - Tài chính, giá mỗi lít xăng giảm 830-840 đồng, giá mỗi lít dầu hoả, diesel hạ 700-740 đồng. Đây là đợt giảm giá xăng dầu thứ 3 liên tiếp kể từ cuối tháng 3.
Như vậy, sau kỳ điều chỉnh, giá xăng E5 RON 92 giảm về 26.470 đồng/ lít, xăng RON 95 giảm về 27.310 đồng/ lít. Giá dầu diesel hạ về 24.380 đồng/ lít, giá dầu hoả giảm về 23.030 đồng/ lít. Riêng dầu madut giữ nguyên giá.