Người nuôi e ngại tái đàn, liệu có thiếu thịt heo vào cuối năm?

Thời điểm hiện tại, nhiều nông dân vẫn e dè, thận trọng tái đàn do giá heo lên xuống bấp bênh, tình hình thời tiết bất lợi và dịch bệnh vẫn có diễn biến phức tạp.

Khảo sát của VTC News tại “thủ phủ” chăn nuôi heo lớn nhất miền Bắc (xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam), tỉ lệ hộ tái đàn đang rất thấp, chỉ chiếm khoảng hơn 30%, tức là giảm đến 70% số hộ gia đình chăn nuôi so với hơn 2 tháng trước đây.

Theo ông Trần Văn Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Lũ, năm 2022, Ngọc Lũ có 5 thôn với hơn 2.300 hộ gia đình thì có đến 1.600 hộ nuôi heo với tổng đàn hơn 65.000 con. Sang đến đầu năm 2023, giá heo hơi liên tiếp xuống thấp, cả xã chỉ còn lại 300 trang trại, hộ gia đình chăn nuôi với hơn 17.000 con.

“Hơn 3 tháng trước, giá heo hơi nhích dần, người chăn nuôi phấn khởi tái đàn trở lại, có thời điểm tổng đàn lên đến hơn 25.000 con. Nhưng hiện giá heo hơi lại xuống, giao dịch từ 56.000 - 58.000 đồng/kg, người chăn nuôi không có lãi nên hầu như không tái đàn. Cả xã hiện chỉ còn khoảng 13.000 - 14.000 con, giảm hơn 40% tổng đàn so với 2 tháng trước đây”, ông Chung nói.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Theo VOV, từ tháng 5/2023 đến nay, giá heo hơi trên thị trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu luôn duy trì ở mức 58.000 - 60.000 đồng/kg, trong khi đó giá thức ăn chăn nuôi, con giống heo đã giảm hơn so với trước… sau khi trừ chi phí, người chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh bắt đầu có lãi. Tuy nhiên hiện nay, nhiều nông hộ vẫn e dè tái đàn chuẩn bị cho thị trường cuối năm, do tình hình thời tiết bất lợi trong giai đoạn chuyển mùa và dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.

Bà Trần Thị Lý, ở ấp 2, xã Sơn Bình, huyện Châu Đức đang rất phấn khởi vì chuẩn bị xuất bán lứa heo 11 con được giá từ 57.000 – 58.000 đồng/kg heo hơi. Đây là lứa heo đầu tiên mà bà Lý được thu lời kể từ đầu năm 2023 đến nay.

Theo tính toán của bà Lý, với giá heo như hiện tại sau khi trừ chi phí 1 con heo bà lãi gần 500.000 đồng. Tuy nhiên, không vì thế mà bà Lý vội xuất bán hay tăng “nóng” đàn heo nuôi. Việc tái đàn heo cho vụ cuối năm cũng bà tính toán thận trọng, chỉ duy trì khoảng 50 con.

“Giá heo hiện nay ở tầm 56.000 - 57.000 đồng/kg, trong khi chi phí nuôi 1 con heo từ 5,4 - 5,5 triệu đồng nên sau khi xuất bán mỗi con heo chỉ lãi khoảng 300.000 - 400.000 đồng. Thời gian qua giá thị trường khi lên khi xuống không biết thế nào, nên gia đình chỉ dám duy trì đàn heo như năm trước”, bà Lý giải thích.

Tương tự bà Lý, ông Phan Văn Hiếu, ở ấp 4, xã Hòa Hưng, huyện Xuyên Mộc cho biết, giá heo tăng khiến người chăn nuôi đang rất phấn khởi song vẫn lo. Đây cũng là tâm trạng chung của khá nhiều hộ nuôi heo ở Bà Rịa - Vũng Tàu hiện nay.

Theo kinh nghiệm của ông Hiếu, xu hướng thị trường nhiều năm qua cho thấy giá heo có xuống rồi sẽ lại tăng, mặt hàng nào khi khan hiếm sẽ đội giá, khi nguồn cung nhiều giá lại giảm. Việc không vội tăng lượng nuôi hay tái đàn không chỉ vì tâm lý e ngại, mà đó còn là kinh nghiệm của nhiều hộ chăn nuôi.

“Gia đình đang duy trì nuôi 15 heo nái nhưng hiện nay gia đình chưa dám mạnh dạn tăng đàn vì giá cả lên xuống không ổn định. Gia đình cũng đang tính toán để quyết định nhập thêm đàn, vì bây giờ dịch bệnh cũng đã xuất hiện”, ông Hiếu băn khoăn.

Theo nhận định của ngành NN&PTNT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, dù người chăn nuôi đang có lãi nhưng không tích cực tăng tái đàn do đang là cao điểm mùa mưa, tình hình dịch bệnh trên đàn heo diễn biến hết sức khó lường. Mặt khác, giá thức ăn chăn nuôi dù giảm nhưng vẫn còn ở mức cao so với trước, đẩy chi phí chăn nuôi tăng lên. Thời điểm hiện nay, tính trung bình giá heo xuất chuồng phải trên 52.000 đồng/kg người nuôi mới hòa vốn, chính vì vậy hộ chăn nuôi vẫn thận trọng trong việc tái đàn.

Kinh tế - Người nuôi e ngại tái đàn, liệu có thiếu thịt heo vào cuối năm?

Theo các chuyên gia, dù tỉ lệ tái đàn thấp nhưng không lo thiếu thịt heo dịp cuối năm. Ảnh minh họa: BĐT Chính phủ

Còn ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai cũng cho biết, từ đầu tháng 6 đến hết tháng 7, giá heo hơi có tăng cao, nhưng kể từ đầu tháng 8 đến nay, giá lại giảm nhanh. Cộng với việc giá heo ở mức thấp trong thời gian dài trước đó đã khiến người chăn nuôi nhỏ lẻ treo chuồng, lượng tái đàn thấp, nguồn cung ra thị trường giảm.

“Theo thông lệ vào thời điểm này, tỉ lệ tái đàn của người chăn nuôi sẽ tăng để phục vụ cho nhu cầu cuối năm. Thế nhưng hiện tình hình chăn nuôi tương đối bấp bênh, thứ nhất là về giá cả, đầu ra trồi sụt lên xuống liên tục. Thứ hai là hai năm vừa qua giá cám tăng quá mạnh. Và điều đáng lo ngại nhất là dịch tả heo châu Phi có thể bùng phát. Những điều này khiến nhiều trang trại hiện không dám tái đàn", ông Đoán nói.

Tuy tỉ lệ tái đàn hiện đang thấp nhưng các chuyên gia vẫn lạc quan cho rằng, khó xảy ra tình trạng thiếu nguồn cung thịt heo dịp cuối năm.

Trao đổi với VTC News về vấn đề này, ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, theo thông lệ, để phục vụ nhu cầu thị heo dịp cuối năm và Tết nguyên đán, phải sang đến tháng 9, tháng 10 hàng năm thì doanh nghiệp, người chăn nuôi mới tái đàn để đảm bảo thời gian xuất chuồng. Do vậy, câu chuyện thiếu thịt heo dịp cuối năm sẽ khó xảy ra.

Theo ông Thắng, đến thời điểm kết thúc tháng 8, tình hình chăn nuôi của các doanh nghiệp, trang trại vẫn khá ổn định. "Hiện tổng đàn heo của cả nước là 28,6 - 28,7 triệu con. Với tỉ lệ đàn heo hiện có, cơ bản đáp ứng được yêu cầu tiêu thụ thịt heo và các sản phẩm từ thịt heo của thị trường trong nước từ nay đến cuối năm, kể cả dịp Tết Nguyên đán. Ngoài ra, dự báo, từ đầu tháng 9 người chăn nuôi sẽ tiếp tục tái đàn”, ông Thắng nói.

Dự báo về giá heo hơi dịp cuối năm có tăng hay không, ông Thắng cho biết, giá cả phụ thuộc vào quy luật thị trường. Hiện giá heo hơi dao động trong khoảng 59.000 - 62.000 đồng/kg. Với mức giá như vậy, người chăn nuôi vẫn có lãi.

Ở góc độ khác, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Việt Nam cho biết, theo quy luật thị trường, giá thịt heo cuối năm sẽ tăng không đáng kể do nhu cầu liên hoan, hội nghị, cưới xin nhiều, bởi vì các tập đoàn đã đầu tư lớn, số lượng nhiều nên không thể dừng chăn nuôi như nông dân.

“Hiện nay cơ cấu chăn nuôi đã thay đổi, các trang trại chăn nuôi của nông dân chỉ chiếm từ 20 - 30% tổng đàn heo của cả nước, còn các công ty chiếm tới 70 - 80% tổng đàn. Các công ty không thể tính toán như nông dân được, mà họ sẽ phải tính đường dài trong chăn nuôi. Vì thế, khó xảy ra nguy cơ thiếu thịt heo”, ông Dương nói.

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho hay, Bộ đã chỉ đạo Cục Chăn nuôi từ nay đến cuối năm tập trung nâng cao năng lực sản xuất và kiểm soát chất lượng con giống, tăng cường kiểm tra công tác quản lý chất lượng giống của các địa phương, cơ sở giống lợn. Cùng với đó, tiếp tục rà soát hệ thống sản xuất giống vật nuôi trên cơ sở dịch vụ công và chuyển đổi số, ứng dụng công bố tiêu chuẩn áp dụng của các cơ sở giống trên hệ thống.

Theo Kinh tế & Đô thị, Bộ NN&PTNT giao Cục Chăn nuôi phối hợp với Cục Thú y và đơn vị liên quan trong triển khai phòng, chống dịch bệnh, nhất là bệnh dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng. Ngoài ra, cần tăng cường kênh theo dõi sát diễn biến về nguồn cung, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước và trên thế giới; có biện pháp chỉ đạo kịp thời nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến hiệu quả chăn nuôi trong bối cảnh giá vật tư đầu vào ở mức cao, bảo đảm về chất lượng thức ăn chăn nuôi.

Minh Hoa (t/h)

Lượt xem: 4
Nguồn:nguoiduatin.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan
Nội dung đang được cập nhật.