Nhu cầu xe điện tăng, ''cơn khát'' dầu mỏ vẫn còn tiếp diễn?

Theo chuyên gia, tuy thế giới đang trong công cuộc chuyển đổi năng lượng xanh, nhưng các nhà đầu tư vẫn nên lạc quan về giá dầu thế giới trong tương lai.

Có thể thấy, thế giới đang trong công cuộc chuyển đổi năng lượng xanh đặc biệt là sự gia tăng các nhà sản xuất, lượng xe điện, vậy có nên lo lắng về thị trường dầu mỏ hay không? Thực tế, giá dầu thô Brent - thước đo chuẩn cho thị trường dầu toàn cầu, đã giảm từ mức khoảng 90 USD/thùng trong tháng 4 xuống dưới 85 USD trong những ngày gần đây. Nhiều nhà đầu tư cũng lo lắng về cuộc họp của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và đồng minh vào đầu tháng 6 tới, nơi các nước trong khối sẽ quyết định về khả năng cắt giảm sản lượng trong thời gian tới.

Nhu cầu xe điện tăng, ''cơn khát'' dầu mỏ vẫn còn tiếp diễn?
Thị trường dầu mỏ vẫn còn nhiều lý do để lạc quan trong năm nay. Nguồn ảnh: Goldman Sachs

Tuy vậy, theo chuyên gia phân tích năng lượng Javier Blas báo Bloomberg, mối lo ngại về thị trường dầu mỏ là không đáng kể. Thực tế, vào năm ngoái, giới đầu tư cũng lo lắng về nhu cầu tiêu thụ dầu của các nước Bắc bán cầu trước kì nghỉ hè, nhưng giá dầu đã khá ổn định trong thời gian đó. Ông Javier Blas nhận xét: “Nhu cầu dầu vẫn đang tăng trưởng tốt”.

Tuy vậy, chuyên gia này cũng thừa nhận hiện có những điểm yếu về nhu cầu dầu. Cụ thể là phân khúc nhiên liệu chưng cất cỡ trung, bao gồm dầu diesel và dầu sưởi, đã có mức tiêu thụ yếu từ đầu năm đến nay. Nhưng điều đó phần lớn là do mùa đông ấm áp ở nhiều nước phương Tây đã làm giảm nhu cầu sưởi ấm chứ không phải do tình trạng bất ổn kinh tế tiềm ẩn.

Còn trên thị trường dầu diesel, theo ông Javier Blas, vấn đề lớn nhất không phải là nhu cầu mà là nguồn cung về nhiên liệu sạch: Dầu diesel tái tạo và dầu diesel sinh học đang chiếm thị phần lớn hơn dự đoán. Vào tháng 2, dầu diesel sinh học và dầu diesel tái tạo chiếm khoảng 8,5% tổng lượng tiêu thụ dầu diesel của Mỹ. Năm 2020, thị phần của cả hai đều dưới 1%.

Mặc dù vậy, nhu cầu về nguồn cung xăng dầu vẫn còn lớn và không nên bỏ qua, ông Javier Blas nhận xét. Tiêu thụ xăng đang tăng vượt dự đoán, ngay cả khi xe điện trở nên phổ biến hơn tại nhiều nước. Bất chấp doanh số bán xe điện tăng lên, hiện nay có nhiều ô tô chạy bằng động cơ đốt trong hơn bao giờ hết. Và giá xăng dầu đang ở mức không làm giảm nhu cầu tiêu dùng, đặc biệt là ở các thị trường mới nổi.

Chỉ một năm trước, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã cảnh báo rằng nhu cầu xăng toàn cầu đã đạt đỉnh điểm vào năm 2019 và mức tiêu thụ xăng dầu sẽ không bao giờ trở lại mức trước đại dịch. Nhưng thực tế đã chứng minh IEA sai. Ngay từ năm ngoái, nhu cầu xăng đã vượt qua mức đó và vào năm 2024, nhu cầu này còn tăng hơn nữa.

Đặc biệt, nhu cầu nhiên liệu máy bay phản lực đang tốt hơn mong đợi, mặc dù các máy bay tiết kiệm nhiên liệu đang ngày càng phổ biến. Trong khoảng 18 tháng qua, những lợi ích về những dòng máy bay mới đã kìm hãm nhu cầu nhiên liệu máy bay. Nhưng hiện nay, số lượng chuyến bay, đặc biệt là số dặm bay đã tăng rất nhiều so với mức năm 2019, làm mức tiêu thụ nhiên liệu máy bay lần đầu tiên ngang bằng với mức trước đại dịch. Theo nhà cung cấp dữ liệu Airportia, đầu tháng 5 năm nay, số chuyến bay quốc tế đã tăng 5% so với cùng kỳ năm 2019, trong khi số dặm bay tăng hơn gần 10%.

Vấn đề sắp tới của ngành dầu mỏ

Theo chuyên gia Javier Blas, mặc dù nhu cầu về dầu thô vẫn tốt, nhưng thị trường sắp tới sẽ phải “vật lộn” với hai vấn đề.

Vấn đề đầu tiên là triển vọng. Mặc dù tốc độ tăng trưởng dầu thô mạnh mẽ nhưng lại đang chậm hơn nhiều so với các năm 2021, 2022 và 2023. Tuy vậy, cơ quan IEA vẫn cho rằng nhu cầu dầu thô đang dần bắt kịp mức trước đại dịch, ngay cả khi tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm hơn trong năm nay và các công nghệ năng lượng sạch được áp dụng.

Từ năm 1991 đến năm 2023, nhu cầu dầu thô toàn cầu tăng trung bình 1,05 triệu thùng/ngày. Loại trừ tác động của đại dịch Covid-19 và sự phục hồi từ nó - tăng trưởng nhu cầu dầu đã đạt trung bình 1,18 triệu thùng mỗi ngày trong 30 năm qua. Điều này phù hợp với dự báo của IEA là 1,2 triệu thùng cho năm 2024, về mặt lý thuyết là mức tăng trên mức trung bình.

Thứ hai là sự phụ thuộc quá mức vào dữ liệu dầu của Hoa Kỳ. Ông Javier Blas nhận xét rằng cơ quan IEA, có nhiệm vụ tổng hợp số liệu thống kê dầu mỏ cho Hoa Kỳ, vốn có “dữ liệu rất ồn ào”. Thực tế, cơ quan này đã phải vật lộn trong nhiều năm để xác định mức tiêu thụ thực sự, do sự ưu tiên về tính tốc độ thay vì tính đầy. Thế nhưng, dữ liệu hàng tuần của IEA có tác động lớn đến thị trường, nhưng khi cơ quan này điều chỉnh lại dữ liệu trong thống kê hàng tháng, thì ít người chú ý hơn.

Một ví dụ gần đây đến từ báo cáo vào tháng 2 của cơ quan này. Sử dụng số liệu thống kê hàng tuần, EIA ước tính nhu cầu dầu của Mỹ trong năm nay vào khoảng 19,52 triệu thùng/ngày, thấp hơn so với một năm trước, làm dấy lên lo ngại trên thị trường dầu. Nhưng dữ liệu cuối cùng, được công bố chỉ vài ngày trước, cho thấy một thực tế rất khác: Nhu cầu của Mỹ cao hơn so với cùng kỳ năm trước, đạt mức khá cao là 19,95 triệu thùng mỗi ngày.

Ngoài ra, theo ông Javier Blas, những nhà đầu cơ giá dầu còn có nhiều lý do để lo lắng. Cụ thể, các nước trong khối OPEC+ vẫn đang cố gắng giữ giá càng gần mức 100 USD/thùng càng tốt. Trong khi đó, nguồn cung dầu ngoài OPEC, bao gồm cả nhiên liệu sinh học, tiếp tục tăng.

Tuy vậy, theo chuyên gia này, tăng trưởng nhu cầu dầu vẫn có triển vọng cho năm 2024, tuy không nhiều như các nhà dự báo lạc quan đã hy vọng. Thực tế, nhu cầu dầu đang trên đà đạt được mức tăng 1,2 triệu thùng mà IEA dự đoán, lập kỷ lục hơn 103 triệu thùng mỗi ngày. Kết luận bài viết, ông Javier Blas đã nói: “Sự tập trung vào nhu cầu dầu sụt giảm là sai chỗ.

Tình hình giá xăng dầu trong nước và thế giới ngày 15/5/2024

Giá dầu thế giới hôm nay tiếp tục tăng nhẹ. Cụ thể, trên sàn Oilprice, giá dầu Brent giao tháng 7 đang ở mức 82,7 USD/thùng, tăng 0,39% so với phiên hôm trước. Giá dầu WTI giao tháng 6 đang ở mức 78,39 USD/thùng, tăng 0,47% so với phiên mở cửa ngày hôm trước.

Trong nước, giá xăng dầu hôm nay ngày 15/5/2024 được áp dụng theo phiên điều chỉnh từ 15h ngày 9/5 của Liên Bộ Tài chính – Bộ Công Thương. Cụ thể, giá xăng E5 RON 92 giảm xuống mốc 22.623 đồng/lít; xăng RON 95 xuống mốc 23.544 đồng/lít.

Trong phiên điều chỉnh lần này, giá dầu đồng loạt giảm. Cụ thể, giá dầu diesel xuống mốc 19.847 đồng/lít; dầu hỏa xuống mốc 19.701 đồng/lít. Dầu mazut cũng được điều chỉnh giảm 160 đồng/kg xuống mốc 17.503 đồng/kg.

Lượt xem: 7
Tác giả: Phú Quý (theo Bloomberg)