Tiền Giang: Sầu riêng tăng giá cận Tết, khuyến cáo quy hoạch cung cầu
Giá sầu riêng ở mức cao nên nông dân ngày càng mở rộng vùng trồng. Điều này đặt ra vấn đề quản lý, định hướng của ngành chức năng.
Được giá cao, nông dân phấn khởi
Cuối tháng 1/2024, so với cách nay hơn 1 tháng, hiện giá nhiều loại sầu riêng tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã tăng thêm ít nhất từ 5.000-10.000 đồng/kg và đang ở mức khá cao.
Giá sầu riêng Monthong loại 1 đang được nông dân tại nhiều nơi bán cho thương lái ở mức 150.000-154.000 đồng/kg, còn giá bán xô từ 130.000-135.000 đồng/kg. Còn sầu riêng hạt lép Ri 6 bán xô ở mức 100.000-105.000 đồng/kg, hàng loại 1 (đạt chuẩn xuất khẩu) có giá 110.000-117.000 đồng/kg.
Giá sầu riêng tăng do nguồn cung hạn chế, trong khi nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đang ở mức cao, nhất là xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Ông Huỳnh Tấn Lộc, Giám đốc hợp tác xã sầu riêng Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) cho biết, chi phí đầu tư một cây sầu riêng từ thời điểm thu hoạch vụ trước đến thu hoạch vụ hiện tại là khoảng 1,5 triệu đồng/cây, tương đương 30 triệu đồng/công – 1.000 m2.
Theo ông Lộc, với năng suất khoảng 2 tấn/công, nông dân trồng sầu riêng đạt doanh thu 320 triệu đồng/công đối với giống Monthong và 200-220 triệu đồng/công đối với giống RI6.
Như vậy, lợi nhuận nông dân thu được khoảng 290 triệu đồng/công đối với giống Monthong và 170-180 triệu đồng/công đối với giống RI6. Đây là mức lợi nhuận cao, rất ít có loại cây trồng nào có được ở thời điểm hiện tại.
Vì hiệu quả kinh tế cao nên diện tích vườn cây sầu riêng ở tỉnh Tiền Giang liên tục tăng lên.
Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 22.000ha vườn cây sầu riêng trồng nhiều nhất ở huyện Cai Lậy, Cái Bè, Thị xã Cai Lậy, huyện Châu Thành. Đặc biệt, tại vùng đất lúa của huyện Cái Bè, Cai Lậy và Tân Phước đã có hàng nghìn ha đất trồng cây sầu riêng và cho thu nhập gấp hàng chục lần so với cây lúa.
Ông Nguyễn Văn Phong, nông dân Mỹ Long (xã Thiện Trí, huyện Cái Bè) chia sẻ: "Sầu riêng hiện nay thương lái đang mua với giá 139.000 đồng/kg. Nông dân ở đây trồng chiếm 60-70% và đang nhân rộng ra”.
Còn nông dân Nguyễn Văn Tấn (xã Long Tiên, huyện Cai Lậy) vừa thu hoạch được gần 10 tấn quả, bán giá 130.000 đồng/kg, thu gần 1,3 tỷ đồng. Theo ông Tấn, những ngày qua, giá sầu riêng tăng mạnh nên nông dân vùng chuyên canh trong những ngày giáp Tết Giáp Thìn ai cũng phấn khởi bởi cây trồng đặc sản này đang cho hiệu quả kinh tế rất cao.
Báo cáo của Tổng cục Hải quan cho thấy, năm 2023 xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam đạt 2,1 tỷ USD, tăng rất mạnh so với con số chưa đến 290 triệu USD năm 2022.
Trong đó, có 2,03 tỷ USD được tiêu thụ ở thị trường Trung Quốc, chiếm trên 99% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Điều này, giúp đưa tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam năm 2023 đạt 5,6 tỷ USD; tăng 2,24 tỷ USD so với năm 2022.
Riêng nửa đầu tháng 1/2024, rau quả Việt Nam mang về gần 230 triệu USD, tăng 50% so với cùng kỳ năm ngoái và gần bằng cả tháng 1/2023 (trên 240 triệu USD).
Lo ngại vỡ quy hoạch, giá quay đầu
Theo Quyết định số 633 về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, diện tích trồng sầu riêng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang được quy hoạch chỉ khoảng 12.000ha, với sản lượng khoảng 276.000 tấn.
Thế nhưng, đến cuối năm 2022, diện tích trồng sầu riêng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã vượt hơn 5.000ha so với quy hoạch đến năm 2030.
Ông Võ Văn Men, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật tỉnh Tiền Giang cho biết, hiện nay diện tích trồng sầu riêng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang khoảng 22.000ha, tập trung nhiều nhất ở 2 huyện Cái Bè và Cai Lậy.
Theo ông Men, vào năm 2022, diện tích trồng sầu riêng đã vượt so với quy hoạch. Ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang cũng có đề nghị các địa phương rà soát lại diện tích trồng sầu riêng. Trên cơ sở đó, sẽ thực hiện điều chỉnh diện tích trồng sầu riêng cho phù hợp với thực tế.
“Vùng đất ở Tiền Giang thích hợp để trồng cây sầu riêng, tuy nhiên đến nay diện tích đã vượt xa so với quy hoạch. Mặc dù hiện nay cây sầu riêng đang mang lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân, nhưng nếu phát triển mạnh quá, diện tích trồng sầu riêng cao thì cũng sẽ tác động đến vấn đề tiêu thụ”, ông Men cho hay.
Chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển cho rằng, giá nông sản cao bền vững là do cung ít, cầu nhiều, hoặc do công nghệ cao khó trồng. Tuy nhiên, diện tích vùng trồng sầu riêng đã tăng gấp đôi từ năm 2019 - 2020, mà 5, 6 năm sau mới bắt đầu ra trái ổn định, tức là khả năng tăng cung 50% trong năm 2024 là có, và tiếp tục cho năm 2025.
Chiều ngược lại, thị trường Trung Quốc được xem là chủ lực có thể chi phối giá khi quốc gia này chiếm 91% tổng giá trị xuất khẩu sầu riêng của nước ta. Trong khi đó, lịch sử thương mại nông sản của Trung Quốc với các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam thì có những lúc “quay xe”, giảm giá mạnh.
Tỉnh Tiền Giang đã có khuyến cáo, nhưng giá sầu riêng quá cao nên người dân thấy lợi nhuận họ vẫn trồng ồ ạt.
Ông Phan Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Cái Bè cho biết, hiện nay kinh tế vườn ở địa phương rất hiệu quả; trong đó cây sầu riêng cho thu nhập cao nhất được người dân gọi là cây “tỷ phú”. Tuy nhiên, huyện không khuyến cáo nông dân mở rộng diện tích cây ăn trái này nhất là thay thế cây lúa.
“Cây sầu riêng nông dân huyện Cái Bè trồng đã cho trái khoảng 6000 ha. Cuộc sống của người dân rất tốt, trước mắt phải đảm bảo diện tích đất lúa. Vì diện tích cây sầu riêng tăng thì giảm đất lúa sẽ sai chủ trương cho nên chúng tôi không khuyến khích. Nhưng mà chúng tôi tập trung chuyển giao khoa học- kỹ thuật, nâng cao cách canh tác làm sao cho người dân để làm sao cùng diện tích mà người ta đăng có kết hợp chuyển giao khoa học, kỹ thuật làm cho trúng mùa hơn, sản lượng sẽ cao hơn”, ông Phan Thanh Sơn nói.