Tiền thuê nhà trọ chiếm 17,9% thu nhập hằng tháng của công nhân

Tiền thuê nhà trọ vẫn là khoản chi phí lớn trong thu nhập hằng tháng của công nhân. Tại nhiều nơi, chủ nhà trọ không tăng giá trong thời gian dài, nhưng cũng có những nơi cứ lương tăng là giá nhà trọ lại tăng, gây thêm gánh nặng cho công nhân.

Tiền thuê nhà trọ chiếm 17,9% thu nhập hằng tháng của công nhân

Công nhân thuê trọ trong khu trọ của bà Đào Thị Oanh. Ảnh: Bảo Hân

Giữ giá thuê để chia sẻ với công nhân

Theo khảo sát của phóng viên, nhiều chủ nhà trọ tại Bắc Giang nhiều năm qua vẫn giữ nguyên giá thuê nhà trọ đối với công nhân. Ông Nguyễn Bá Quang (tổ dân phố Tam Tầng, phường Quang Châu, thị xã Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) là chủ khu trọ với 50 phòng trọ. Các phòng trọ có diện tích hơn 10m2/phòng, giá thuê từ 500.000-800.000 đồng.

Dù vẫn còn nợ tiền vay ngân hàng để xây khu nhà và hằng năm vẫn phải bỏ thêm tiền để sửa sang, nhưng ông Quang cho biết, giá nhà trọ trên được ông duy trì trong thời gian dài vừa qua. Chủ nhà trọ này chưa có ý định tăng giá trong thời gian tới. “Nhiều công nhân thuê trọ có thu nhập không cao nên việc không tăng giá cũng là để chia sẻ phần nào những khó khăn của công nhân” - ông Quang cho biết.

Tương tự, khu nhà trọ của bà Đào Thị Oanh (xã Song Khê, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) không tăng giá trong nhiều năm nay. Hiện khu trọ có 46 phòng trọ cho thuê.

Hiện bà Oanh đang cho công nhân thuê với mức giá 1,2 triệu đồng/tháng/phòng. Theo bà Oanh, đối với những công nhân có mức thu nhập khoảng trên dưới 10 triệu đồng/tháng có thể trang trải được với mức giá trên; còn những người có thu nhập thấp, ở mức 7-8 triệu đồng/tháng thì hơi chật vật. Nhiều công nhân rủ thêm đồng nghiệp ở cùng để bớt chi phí.

Vừa rồi, bà Oanh phải bỏ thêm chi phí để trang bị thêm các biện pháp phòng cháy chữa cháy theo đúng quy định, hướng dẫn của cơ quan chức năng nhưng không có ý định tăng giá. “Tôi thấy mức giá trên là phù hợp, nếu tăng nữa sẽ chất thêm gánh nặng cho công nhân thuê trọ, chưa kể nếu tăng giá cao, công nhân sẽ không chọn khu trọ của mình để thuê” - bà Oanh nói.

Tiền thuê trọ chiếm 23,6% tiền lương của công nhân

Chị L.T.M.H cùng con đang thuê trọ trong căn phòng 15m2 tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội. Theo nữ công nhân, cách đây vài năm, chị thuê phòng trọ này với giá 700.000 đồng/tháng. Sau đó, trải qua nhiều lần tăng giá, hiện tiền thuê trọ là 1 triệu đồng/tháng. “Mỗi khi công nhân tăng lương, là chủ trọ ở đây lại tăng giá, mỗi lần khoảng 50.000 đồng, có lần 100.000 đồng. Lần tăng giá gần đây nhất là đầu năm nay” - chị L.T.M.H cho hay.

Làm công nhân nhiều năm nay, chị L.T.M.H có mức lương cơ bản 6,7 triệu đồng/tháng; tổng thu nhập (tính cả phụ cấp, tiền làm thêm) là hơn 10 triệu đồng/tháng. “Với mức lương, thu nhập này, tiền thuê nhà là gánh nặng đối với tôi vì tôi còn phải trang trải nhiều khoản chi khác như: Tiền nuôi con, tiền sinh hoạt, chưa kể phải dành dụm đề phòng những lúc ốm đau…” - nữ công nhân chia sẻ.

Khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vào tháng 10.2023, tỉ lệ công nhân lao động ở các địa phương đông công nhân sở hữu nhà ở là rất thấp. Họ phải đi thuê nhà với mức tiền thuê nhà trung bình là 1,808 triệu đồng/tháng (bao gồm cả điện nước). Tại một số thành phố trực thuộc Trung ương như Hà Nội, Đà Nẵng, con số này từ 1,5 đến 2 triệu đồng/tháng (chưa bao gồm điện nước). Số tiền này chiếm 23,6% tiền lương và 17,9% thu nhập hàng tháng. Diện tích phòng trọ trung bình tính trên đầu lao động là 10,66m2/người.

Ngoài ra, chi phí sử dụng điện, nước cũng là một vấn đề cần được quan tâm. Nhà nước đã có những chính sách ưu đãi về giá điện, nước cho người thuê nhà, nhưng hầu hết người lao động phải trả giá cao hơn; hoặc có nơi chủ nhà trọ khoán theo đầu người. Tương tự như vậy, tiền điện cũng thường được khoán theo từng số điện (ví dụ có xóm trọ, người lao động phải trả 3.000 đồng/kW điện sử dụng, trong khi đó, giá tiền điện nhà nước tại cùng thời điểm là 1.726 đồng - 2.074 đồng/kW).

Nghiên cứu mới đây của Viện Công nhân và Công đoàn, Ban Quản lý dự án thiết chế công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) phối hợp với Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng đưara con số 65,2% công nhân lao động được khảo sát gặp khó khăn về chi phí thuê nhà ở, học phí cho con.