Tỷ giá vẫn chịu áp lực những tháng cuối năm

Về cuối năm, sức ép lên tỷ giá vẫn còn khá cao. Theo giới phân tích, không loại trừ trường hợp Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục tăng lãi suất điều hành nhằm giảm áp lực lên tỷ giá.

Tỷ giá USD trung tâm rạng sáng 3/10 được NHNN công bố ở mức 23.412 đồng/USD, tăng 12 đồng/USD so với phiên thứ 6 tuần trước. Tỷ giá bán tham khảo tại Sở giao dịch NHNN được duy trì ở mức mới là 23.925 đồng/USD. Xét trên biểu đồ hàng ngày, tỷ giá trung tâm đã duy trì xu hướng tăng kéo dài từ trung tuần tháng 9 đến nay.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Không chỉ tỷ giá trung tâm ghi nhận xu hướng tăng, cuối tuần trước, NHNN cũng đã nâng giá bán USD tại các sở giao dịch lên 23.925 đồng/USD, cao hơn 225 đồng so với trước đó. Như vậy, chỉ trong vòng 1 tháng, NHNN đã nâng tỷ giá bán USD 2 lần với tổng giá trị lên tới 525 đồng/USD, khi cung - cầu ngoại tệ trên thị trường chưa có nhiều sự cải thiện.

Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại sáng 4/10 hầu hết được điều chỉnh theo chiều tăng giá. Cụ thể, Vietcombank niêm yết giá mua - bán USD ở mức 23.730 - 24.040 đồng/USD, tăng 30 đồng/USD. So với đầu năm, tỷ giá mua - bán USD tại Vietcombank đã tăng tới 1.120 đồng, tương đương mức tăng ròng 4,9%.

Tại một số ngân hàng khác, giá USD bán ra đều qua ngưỡng 24.000 đồng/USD. BIDV bán ra 24.045 đồng/USD, tăng 35 đồng/USD. ACB: 24.050 đồng/USD (bán ra). Trong khi Vietinbank bán ra 24.015 đồng/USD.

Sau nhiều ngày liên tục tăng, giá bán USD tại ngân hàng đã tiến sát USD trên thị trường tự do. Trên thị trường "chợ đen", đồng USD được giao dịch ở mức 24.150. Như vậy giá bán USD tại thị trường tự do chỉ còn cao hơn giá bán USD cao nhất tại ngân hàng 100 đồng/USD. Trước đây mức chênh giữa giá USD tại thị trường tự do và USD ngân hàng lên đến 600 - 700 đồng/USD.

Giá USD ngân hàng tăng sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất trong thời gian qua khiến đồng USD tăng giá. MLIV Pulse vừa thực hiện một cuộc khảo sát trên 795 chuyên gia tài chính và nhà đầu tư về triển vọng của đồng USD. Kết quả cho thấy, khoảng 2/3 số người được phỏng vấn tin rằng chỉ số USD giao ngay sẽ tăng lên mức cao mới trong tháng tới.

Hiện đa số chuyên gia cho rằng, VND có thể mất giá 4 - 5% trong năm nay. VNDirect cho rằng tỷ giá hối đoái tiếp tục chịu áp lực trong những tháng cuối năm 2022 do đồng USD neo cao, khi Fed duy trì lộ trình tăng lãi suất.

Tuy nhiên, vẫn có những yếu tố hỗ trợ tỷ giá, bao gồm dòng vốn FDI mạnh hơn, thặng dư thương mại cải thiện thặng dư cán cân thanh toán… Tựu chung lại, VNDirect dự báo tỷ giá USD/VND có thể mất giá khoảng trên 4% so với đồng USD trong năm 2022.

Trong khi SSI cho rằng, khả năng tiếp tục sử dụng dự trữ ngoại hối để hỗ trợ thanh khoản cho thị trường ngoại hối là khá hạn chế, khi dự trữ ngoại hối hiện đã giảm xuống dưới mức khuyến nghị của IMF. Về cuối năm, sức ép lên tỷ giá vẫn còn khá cao, và theo SSI không loại trừ trường hợp NHNN tiếp tục tăng lãi suất điều hành nhằm giảm áp lực lên tỷ giá.

Cầu ngoại tệ vẫn lớn

Hiện nay cầu ngoại tệ tại Việt Nam khá lớn và có một phần tích lũy từ trước chuyển vào giai đoạn này. Phần tích luỹ này đến từ các khoản đi tiền bị hoãn, một số nợ phải trả được cố tình kéo…

“Nhiều DN trước đó cố gắng hoãn lại các đợt thanh toán tiền hợp đồng bằng USD với kỳ vọng tỷ giá hạ nhiệt. Hoặc cũng có trường hợp muốn mua USD nhưng lúc đó lại không mua được. Giờ đây, họ không thể kéo dài việc thanh toán được nữa nên nhu cầu ngoại tệ tăng vọt. Trên liên ngân hàng, một số thành viên còn phải chấp nhận giao dịch trên giá bán can thiệp của NHNN trong vài phiên trở lại đây” - một chuyên gia phân tích.

Trong khi đó nguồn cung ngoại tệ đang thiếu dòng tiền mạnh và kịp thời. Cụ thể, một số dòng tiền từ đầu tư, kiều hối, trái phiếu quốc tế, bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài… rất trầm lắng.

“Nguồn dự trữ có hạn nên NHNN phải can thiệp theo dạng điều tiết và chỉ dành cho những nhu cầu cụ thể, cần thiết” - vị chuyên gia ngân hàng nói và đánh giá: “Dự trữ ngoại hối đang mỏng dần. Tuy nhiên, một số áp lực cũng đang dần đến đỉnh. Chỉ cần nhà điều hành vượt qua 3 tháng cuối năm nay thì việc điều hành chính sách tiền tệ sẽ lại thoải mái, khi đó họ có một số điểm tựa như chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng mới…”

TS Trương Văn Phước đề xuất NHNN nên nghiên cứu để mở rộng đối tượng cho vay ngoại tệ như là cầu về ngoại hối hiện nay sẽ di chuyển tới tương lai. “Đây là vấn đề cần cân nhắc, nhưng sự đánh đổi này là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay" - ông Trương Văn Phước chia sẻ.

Để đảm bảo an toàn cho các giao dịch quốc tế, nhiều ngân hàng đã có bộ phận tư vấn thanh toán trực tiếp cho DN xuất nhập khẩu về uy tín của đối tác hay lựa chọn đơn vị trung gian thanh toán.

"Nên lựa chọn đối tác có uy tín bao gồm cả đối tác nhập khẩu và xuất khẩu nước ngoài cũng như ngân hàng phát hành L/C và ngân hàng nhờ thu. Các biện pháp thanh toán và bộ chứng từ nên đi đường thẳng, tránh lòng vòng qua các bên thứ 3, tránh lòng vòng qua nước thứ 3 thì sẽ an toàn nhất" - bà Võ Hằng Phương - Giám đốc Bộ phận Ngân hàng giao dịch VPBank nhận định.

Chuyển tiền trực tiếp sẽ có chi phí thấp nhất, trong khi thanh toán qua tín dụng thư L/C tốn thêm một phần chi phí dịch vụ. Tuy nhiên, một số ngân hàng hiện cũng có giải pháp thanh toán số cho thư tín dụng L/C, giảm chi phí cho mỗi hợp đồng thư tín dụng còn tối thiểu từ khoảng 100 USD. DN có thể tiết giảm chi phí hiệu quả và tiết kiệm hơn.

Lượt xem: 83
Nguồn:kinhtedothi.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan
Nội dung đang được cập nhật.