Xuất khẩu rau quả trên đà tăng trưởng mạnh và bài toán nâng cao chất lượng
Trong 9 tháng năm 2023, xuất khẩu rau quả ước đạt hơn 4 tỷ USD, tăng gần 70% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu rau quả thu về hơn 4 tỷ USD
Theo VTV, thông tin từ Hiệp hội Rau quả Việt Nam, dự kiến, xuất khẩu rau quả trong tháng 9/2023 ước đạt gần 587 triệu USD, tăng 33,4% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 9 tháng năm nay, xuất khẩu rau quả đạt 4,134 tỷ USD, tăng 69,1% so với cùng kỳ 2022.
Kết quả trên sẽ vượt kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả năm 2022 là 3,34 tỷ USD. Kết quả này cũng sẽ vượt con số kỷ lục xuất khẩu của ngành rau quả năm 2018 là 3,81 tỷ USD.
Trong số các nhóm rau quả, sầu riêng, chuối, thanh long đóng góp lớn vào tăng trưởng. Với sầu riêng, từ vị trí thứ 4 trong nhóm các loại quả, vươn lên dẫn đầu về xuất khẩu, vượt chuối và thanh long để gia nhập nhóm trái cây tỷ USD. Sầu riêng cũng được dự báo sớm cán đích kim ngạch xuất khẩu 1,5 tỷ USD trong tháng tới.
Trung Quốc hiện là quốc gia nhập nhiều rau quả Việt Nam nhất với tổng kim ngạch 8 tháng đạt 2,3 tỷ USD, tăng 134% so với cùng kỳ năm 2022 và chiếm 64% thị phần.
Trong top 10 thị trường lớn nhất của ngành rau quả, ngoài Trung Quốc, thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Hà Lan và Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất tăng trưởng dương; Mỹ, Thái Lan, Australia giảm nhập khẩu.
Trong đó, xuất khẩu vào thị trường Mỹ đạt trên 168 triệu USD, giảm hơn 6% so với cùng kỳ năm 2022; Hàn Quốc đạt 148 triệu USD, tăng 18%; Nhật Bản là 123 triệu USD, tăng 6%...
Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam - ông Đặng Phúc Nguyên, cho biết nguyên nhân giúp xuất khẩu rau quả khả quan nhờ các quốc gia tăng mua. Trong đó, Trung Quốc tạo nhiều thuận lợi cho nông sản Việt vào thị trường nước này. Năm 2022, nước này ký hàng loạt nghị định thư với Việt Nam, tạo bước đệm cho hoạt động xuất khẩu rau củ quả của nước ta đạt nhiều thuận lợi. Nhờ đó, giá nông sản tăng cao so với cùng kỳ đẩy giá trị kim ngạch tăng đột biến.
Riêng với sầu riêng, xuất khẩu đang tăng gần 20 lần so với cùng kỳ. Sầu riêng Việt Nam thu hoạch kéo dài và nhiều thời điểm trái vụ với các quốc gia khác như Thái Lan, Philippines nên được ưa chuộng và xuất với giá cao. Không chỉ vậy, chuối và mít của Việt Nam cũng được Trung Quốc tăng mua và trả giá cao hơn so với cùng kỳ năm 2022.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang xem xét cho dừa tươi Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch. Nếu được thông qua trong thời gian tới, xuất khẩu dừa sẽ có nhiều bứt phá. Mới đây, Mỹ cũng vừa cho Việt Nam xuất khẩu trái dừa tươi (loại gọt vỏ xanh và một phần xơ trắng).
Trong quý III và quý IV/2023, cả nước có khoảng gần 7,6 triệu tấn trái cây chủ lực các loại đưa ra tiêu thụ. Trong khi đó, theo thông lệ hàng năm, xuất khẩu hàng rau quả thường đạt mức cao trong các tháng cuối năm nhờ nhu cầu thị trường tăng. Do đó, nguồn cung trái cây dồi dào sẽ đáp ứng tốt các đơn hàng xuất khẩu trong thời gian tới.
Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, các mặt hàng rau quả Việt đang ngày càng rộng cửa xuất khẩu. Nhà chức trách đang đàm phán mở cửa thị trường chanh leo sang Mỹ, Australia; bưởi sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Ấn Độ; sầu riêng sang Ấn Độ; các loại quả có múi, dừa, sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc.
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu, nửa cuối năm, nếu chanh leo được xuất vào Mỹ, dừa tươi xuất chính ngạch sang Trung Quốc, mục tiêu 5 tỷ USD kim ngạch cả năm 2023 trở nên dễ dàng. Tuy nhiên, hàng Việt cần nâng cao chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm để tạo thêm uy tín với khách hàng.
Ông Đặng Phúc Nguyên dự báo, xuất khẩu rau quả cả năm 2023 có thể mang về hơn 5,5 tỷ USD khi vẫn còn 3 tháng cuối năm.
Tuy nhiên, xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc cần chú ý. Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhận được một số thông báo từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) liên quan đến vi phạm yêu cầu về kiểm dịch thực vật của các lô hàng chuối, mít, xoài, nhãn, thanh long và sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường Trung Quốc. Đáng chú ý, giữa tháng 8/2023, Trung Quốc tiến hành kiểm tra vùng trồng, cơ sở đóng gói dừa tươi Việt Nam.
Với các trường hợp vi phạm quy định kiểm dịch thực vật theo thông báo từ phía Trung Quốc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ thực hiện tạm dừng đối với các mã số liên quan để điều tra nguyên nhân và áp dụng biện pháp khắc phục phù hợp.
Vì vậy, bên cạnh việc đẩy mạnh cấp mã vùng trồng, các địa phương cũng cần kiểm soát tốt để hạn chế tối đa tình trạng gian lận mã số vùng trồng, ảnh hưởng đến thương hiệu rau quả Việt Nam xuất khẩu. Cùng với đó, các doanh nghiệp sản xuất cần tăng cường áp dụng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP nhằm đáp ứng đầy đủ các quy định về kiểm dịch ngày càng khắt khe của Trung Quốc.
Nâng cao chất lượng và năng lực chế biến
Theo Nhân Dân, với đà xuất khẩu khẩu rau quả như hiện nay, mục tiêu 5 tỷ USD kim ngạch cả năm 2023 là không quá xa vời. Tuy nhiên, trong quá trình tăng trưởng nóng của nhiều mặt hàng hiện nay, nhất là các mặt hàng trái cây, thì yêu cầu giữ vững và không ngừng nâng cao chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm là yếu tố quan trọng hàng đầu, quyết định uy tín và giá trị của cả ngành hàng.
Ví dụ cụ thể về mặt hàng sầu riêng, ông Nguyễn Quốc Toản - Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp cho rằng: Sầu riêng đang tăng trưởng nóng trong thời gian vừa qua do mang lại giá trị kinh tế lớn.
Tuy nhiên ngành hàng này cũng đang xuất hiện những bất cập như: cạnh tranh trong thu mua, gom hàng; hạ tầng chế biến; quản trị chất lượng; liên kết giữa nhà vườn, thương lái, doanh nghiệp xuất khẩu; nguồn nhân lực... Do đó Việt Nam phải xây dựng khung chính sách và các tiêu chuẩn sản xuất và xuất khẩu phù hợp; quy hoạch chặt chẽ việc phát triển diện tích trồng sầu riêng trên cả nước. Ngoài sản phẩm tươi, ngành hàng cần phát triển thêm các mặt hàng chế biến, quan tâm hơn đến các thị trường khác ngoài Trung Quốc như Mỹ, EU…
Cùng quan điểm này, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cánh đồng vàng Nông Ngọc Trung nhận định: Việt Nam còn yếu về mảng chế biến sầu riêng so với Thái Lan. Trong thời gian tới, lĩnh vực này cần tập trung hơn để thúc đẩy xuất khẩu. Theo đó, các doanh nghiệp cần có tư duy bắt tay đồng hành đưa sản phẩm ra thị trường thế giới thay vì đối đầu, cạnh tranh về giá.
Để giải quyết một phần vấn đề chất lượng sản phẩm, Phó Cục trưởng Bảo vệ thực vật Nguyễn Thị Thu Hương cho biết: Thời gian tới, Cục sẽ tập trung các giải pháp nhằm minh bạch thông tin, cơ sở dữ liệu; hoàn thiện hướng dẫn kỹ thuật; hoàn thiện bộ tài liệu ngành hàng để có những tiêu chuẩn về giống, phân bón, kỹ thuật sản xuất... cho nông dân thuận tiện sử dụng.
Ngành nông nghiệp cần đẩy mạnh chuyển đổi số, đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu, đưa phần mềm quản lý vùng trồng và cơ sở đóng gói vào sử dụng rộng rãi; phối hợp với các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát công tác cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói.
Thực tế, nhu cầu nhập khẩu rau quả của các thị trường trên thế giới còn rất lớn nên việc Việt Nam bảo đảm về chất lượng hàng hóa sẽ là cơ hội để khai thác tiềm năng này. Cụ thể, trong giai đoạn năm 2018-2022, nhu cầu nhập khẩu hàng rau quả của Mỹ bình quân khoảng 46 tỷ USD/năm, nhưng trị giá nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm chưa tới 0,6%. Thị trường Hàn Quốc có nhu cầu nhập khẩu hàng rau quả trung bình đạt 3,9 tỷ USD/năm, nhưng trị giá nhập khẩu từ Việt Nam cũng chỉ chiếm 4,3%. Thị trường Nhật Bản có nhu cầu nhập khẩu hàng rau quả trung bình đạt 10 tỷ USD/năm, nhưng nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm 0,6%…
Riêng thị trường Mỹ, nhu cầu nhập khẩu quả xoài rất lớn, song hiện Mỹ nhập khẩu xoài tươi từ Việt Nam chỉ chiếm 0,19% tổng lượng nhập khẩu. Nguyên nhân là do vị trí địa lý xa xôi và khâu bảo quản gặp nhiều khó khăn khiến mặt hàng xoài chưa phát huy hết giá trị ở thị trường tiềm năng này.
Trong khi đó, với các sản phẩm chế biến như nước xoài ép, Mỹ nhập khẩu từ Việt Nam có tỷ trọng tăng đáng kể từ 2,73% trong 5 tháng đầu năm 2022 lên 5,84% trong 5 tháng đầu năm 2023. Vì vậy, đẩy mạnh chế biến sâu là hướng đi mà các doanh nghiệp nên đầu tư để tăng kim ngạch xuất khẩu thời gian tới.