7 năm làm Chủ tịch HĐQT Vinamilk của nữ tướng Lê Thị Băng Tâm

Sau 7 năm ngồi ghế Chủ tịch, bà Lê Thị Băng Tâm sẽ chính thức "về hưu" trong nhiệm kỳ tới sau thời gian dài góp sức gây dựng nên tên tuổi thương hiệu Vinamilk.

Rời ghế nóng cả Vinamilk và HDBank

Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk, MCK: VNM) vừa công bố tài liệu phục vụ Đại hội đồng Cổ đông 2022 dự kiến tổ chức vào ngày 26/4, bao gồm danh sách ứng viên bầu vào HĐQT nhiệm kỳ 2022-2026.

Theo tờ trình Vinamilk công bố, số lượng thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2022 - 2026 là 11 người, trong đó có ít nhất 3 thành viên độc lập và phải đảm bảo tối thiểu là 1/3 tổng số thành viên HĐQT là thành viên không điều hành.

Các ứng viên bầu vào vào HĐQT Vinamilk nhiệm kỳ này gồm: ông Đỗ Lê Hùng, ông Nguyễn Hạnh Phúc và bà Tiêu Yến Trinh (ứng viên độc lập); bà Đặng Thu Hà, ông Lê Thành Liêm, ông Hoàng Ngọc Thạch (do SCIC đề cử); ông Lee Meng Tat, ông Michael Chye Hin Fah (do F&N Dairy Investment Pte Ltd và F&NBev Manufacturing Pte Ltd đề cử); ông Alain Xavier Cany (Platinum Victory Pte. Ltd đề cử) và bà Mai Kiều Liên hiện là Tổng Giám đốc Công ty.

Đáng chú ý, Chủ tịch HĐQT đương nhiệm của Vinamilk là bà Lê Thị Băng Tâm không có tên trong danh sách 10 ứng viên.

Hồ sơ doanh nghiệp - 7 năm làm Chủ tịch HĐQT Vinamilk của nữ tướng Lê Thị Băng Tâm

Bà Lê Thị Băng Tâm sẽ rời ghế Chủ tịch tại HDBank và Vinamilk.

Trước đó, trong danh sách nhân sự dự kiến trình Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 bầu thành viên HĐQT và BKS nhiệm kỳ 2022-2027 của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phát triển TP. HCM (HDBank, MCK: HDB) cũng không có tên bà Tâm dù bà đang giữ vị trí Chủ tịch HĐQT của ngân hàng.

Bà Lê Thị Băng Tâm giữ chức Chủ tịch HĐQT Vinamilk từ năm 2015, đồng thời kiêm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank). Như vậy, theo những thông tin trên bà Tâm được cho là sẽ thôi giữ chức Chủ tịch HĐQT ở cả Vinamilk và HDBank trong nhiệm kỳ tới sau nhiều năm gắn bó với 2 doanh nghiệp.

Bà Lê Thị Băng Tâm sinh năm 1947 tại Tuy Hòa, Phú Yên. Bà là Tiến sỹ kinh tế Đại học Kinh tế Tài chính Leningrad (Liên Xô trước đây) và có chứng chỉ tài chính quốc tế của Noth University (Anh).

Từ năm 2006 đến nay, bà đã tham gia vào HĐQT của nhiều công ty khác nhau, bà Tâm từng là Chủ tịch SCIC (2006-2008); Thứ trưởng - Ủy viên Ban cán sự Bộ Tài chính (1995-2006); Phó Cục trưởng, Cục trưởng, Tổng giám đốc Kho bạc nhà nước Trung ương (1989-1995) và nhiều công việc khác tại Bộ Tài chính.

7 năm đồng hành cùng CEO Mai Kiều Liên 

Sự phát triển của Vinamilk có sự góp công không nhỏ của bà Tâm từ khi còn là Chủ tịch SCIC – Công ty mẹ của Vinamilk. Bà Tâm đã sát cánh bên Tổng giám đốc Mai Kiều Liên đưa doanh nghiệp Vinamilk từ một đơn vị nhà nước nhỏ lên nắm vị trí thống lĩnh nhiều thị trường trong và ngoài nước, vượt qua nhiều thương hiệu nước ngoài, hướng tới mục tiêu công ty sữa nổi tiếng thế giới.

Trong suốt thời gian gắn bó 7 năm với Vinamilk ở vị trí Chủ tịch HĐQT, bà Lê Thị Băng Tâm đã có những chủ trương kinh doanh đúng đắn tác động trực tiếp đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Ngay năm đầu tiên bà Tâm “tại vị”, doanh thu năm 2015 của Vinamilk ghi nhận đạt gần 40.222 tỷ đồng, tăng gần 15% so với 2014 và nộp ngân sách nhà nước gần 4.000 tỷ đồng. Trong năm 2015, Vinamilk đã sản xuất và đưa ra thị trường gần 6 tỷ sản phẩm sữa các loại phục vụ cho người tiêu dùng cả nước.

Đến giữa năm 2016, Vinamilk “mang chuông đi đánh xứ người” với việc sở hữu 100% cổ phần Driftwood giúp Vinamilk có thêm vài nghìn tỷ đồng doanh thu từ thị trường Mỹ mỗi năm. Vinamilk cũng tiên phong xây dựng nhà máy sữa đầu tiên tại Campuchia, khi khánh thành nhà máy Angkor Milk với tổng vốn đầu tư lên đến 23 triệu USD vào tháng 5/2016.

Tới năm 2017, Vinamilk đã thực hiện vượt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế đề ra với hơn 51.000 tỷ đồng doanh thu thuần và hơn 10.278 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng gần 10% so với cùng kỳ.

Ở thị trường trong nước, đến năm 2018 toàn ngành sữa nước của Vinamilk tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu với khoảng 55% thị phần. Doanh nghiệp còn nắm giữ hơn 80% thị phần sữa chua, hơn 80% thị phần sữa đặc và hơn 30% thị phần ngành hàng sữa bột.

Luỹ kế năm 2019, Vinamilk đạt 56.318 tỷ đồng doanh thu, tăng 7%; lợi nhuận sau thuế 10.554 tỷ đồng, tăng 3,4%. Với kết quả này, công ty đã hoàn thành trơn tru kế hoạch doanh thu và lợi nhuận năm đề ra. 

Trong 2 năm 2020 và 2021, dù chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi sự bùng nổ của đại dịch Covid-19 và những hệ luỵ kéo dài của việc giãn cách xã hội, Vinamilk vẫn mở rộng quy mô doanh nghiệp khi nâng sản lượng sữa lên gấp đôi, tương đương với 1.900 tấn sữa tươi nguyên liệu mỗi ngày. Cuối năm 2021, tổng doanh thu hợp nhất của Vinamilk lần đầu vượt mốc 60.000 tỷ đồng.

Hồ sơ doanh nghiệp - 7 năm làm Chủ tịch HĐQT Vinamilk của nữ tướng Lê Thị Băng Tâm (Hình 2).

Vinamilk là doanh nghiệp sữa Việt nổi bật trong mảng xuất khẩu ra nhiều thị trường trên Thế giới.

Bên cạnh đó, Vinamilk vẫn đang là doanh nghiệp sữa Việt năng động nhất trong mảng xuất khẩu với việc đưa sản phẩm đến 57 thị trường với tổng kim ngạch xuất khẩu lũy kế đạt hơn 2,6 tỷ USD, tăng trưởng xuất khẩu đạt mức 10% ngay trong năm Covid và lọt top 1 trong 10 thương hiệu sữa đắt giá nhất toàn cầu

Từ năm 2015 tới nay, bà Lê Thị Băng Tâm đã tiếp tục giữ vững và phát triển Vinamilk ở ngôi vị một trong những thương hiệu có giá trị nhất Việt Nam, chứng tỏ bản lĩnh cũng như tài năng của một nữ tướng khi ngồi ghế nóng tại Vinamilk.

Lượt xem: 306
Tác giả: Nguyễn Thị Hồng Nhung
Tin liên quan
Nội dung đang được cập nhật.