Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum: Giữ vững danh hiệu "Câu lạc bộ 2 tấn/ha"

Tính đến năm 2022, Công ty TNHH MTV Cao su Kon Tum (Công ty Cao su Kon Tum), Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam có 11 năm liên tiếp đạt danh hiệu "Câu lạc bộ 2 tấn/ha" của ngành cao su Việt Nam.

Để đạt được thành tích này, Đảng ủy, Ban giám đốc Công ty đã có nhiều chủ trương, giải pháp đồng bộ, sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trao đổi với đồng chí Lê Đức Hân, Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc Công ty Cao su Kon Tum về nội dung này.

Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, nhiều doanh nghiệp cao su cho rằng, chưa bao giờ ngành cao su gặp nhiều khó khăn như hiện nay. Vậy Công ty Cao su Kon Tum đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức nào?   

Đồng chí Lê Đức Hân: Đúng như vậy, trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước vẫn chịu tác động sâu sắc của đại dịch Covid-19, xung đột vũ trang, biến đổi khí hậu, nhiều ngành kinh tế, trong đó có ngành cao su đang gặp rất nhiều khó khăn. Nhất là giá bán các sản phẩm mủ cao su xuống thấp, có những giai đoạn giá bán thấp hơn giá thành sản xuất và khó tiêu thụ. Trong khi đó, giá vật tư, phân bón, nguyên liệu đầu vào đều tăng cao.

Lãnh đạo Công ty Cao su Kon Tum bàn giao nhà tặng công nhân. 

Ngoài những khó khăn chung của ngành, Công ty Cao su Kon Tum còn phải đối mặt với những vấn đề của riêng mình như: Vườn cây 9.600ha cao su phân tán trên địa bàn toàn tỉnh Kon Tum và chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực biên giới. Công ty có đủ 3 mô hình quản lý: Cao su đại điền, hộ nhận khoán và hộ liên kết-khoán, trong đó hộ nhận khoán, liên kết-khoán chiếm hơn 50% diện tích của Công ty. Với gần 6.000 người lao động (NLĐ) nhưng có hơn 75% là đồng bào dân tộc thiểu số... thực trạng này đặt ra cho Công ty những thách thức trong đào tạo tay nghề, nâng cao năng suất, quản lý lao động, quản lý sản phẩm...

PV: Khó khăn như vậy nhưng Công ty Cao su Kon Tum vẫn đạt danh hiệu "Câu lạc bộ 2 tấn/ha" trong suốt 11 năm qua. Đề nghị đồng chí cho biết những giải pháp, cách làm của Công ty?

Đồng chí Lê Đức Hân: Để đạt danh hiệu "Câu lạc bộ 2 tấn/ha" của ngành cao su Việt Nam đã khó nhưng giữ được thành tích đó trong suốt 11 năm là cả một quá trình thi đua và phấn đấu không ngừng của cán bộ, công nhân viên, NLĐ. Trong đó, Đảng ủy, Ban giám đốc Công ty chú trọng triển khai các chủ trương, giải pháp, phong trào, mô hình quản lý rừng cao su theo hướng bền vững. Hỗ trợ và khuyến khích NLĐ gia tăng hiệu quả kinh tế trên diện tích vườn cao su tái canh và tích cực làm kinh tế trang trại để đa dạng nguồn thu nhập, giảm bớt khó khăn khi giá các sản phẩm cao su xuống thấp.

Phát động phong trào sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, khơi dậy tiềm năng, niềm đam mê sáng tạo, khát vọng làm chủ khoa học, kỹ thuật của cán bộ, công nhân viên, NLĐ. Từ năm 2015 đến nay đã có 6 giải pháp, sáng kiến cấp bộ, tỉnh, ngành và 458 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật khác của cán bộ, công nhân viên, NLĐ Công ty được áp dụng rộng rãi, mang lại hiệu quả cao, làm lợi cho Công ty hàng tỷ đồng.

Công ty tổ chức tốt việc kiểm tra, đánh giá, chấm điểm quy trình kỹ thuật và tay nghề cho đội ngũ công nhân, xem đây là vấn đề cốt lõi để nâng cao chất lượng vườn cây, năng suất lao động. Chỉ tính riêng năm 2022, toàn Công ty đã tổ chức được 11 lớp đào tạo thợ khai thác mủ với 467 học viên. Đồng thời, phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ kỹ thuật, Ban giám đốc Công ty thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn, cầm tay chỉ việc, phân công thợ giỏi kèm thợ yếu, thợ cũ kèm thợ mới để nâng cao trình độ tay nghề của đội ngũ thợ.

Đặc biệt, ngay từ đầu năm, Công ty đã xây dựng và phổ biến đến 100% cán bộ, công nhân viên, NLĐ phương án thưởng, gắn trách nhiệm của công nhân khai thác trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Cùng với đó là triển khai nhiều chương trình an sinh xã hội, xây dựng nhà công đoàn, "Nhà tình thương", hỗ trợ khó khăn đột xuất, tặng quà các dịp lễ, tết cho công nhân. Công ty hỗ trợ tiền lương thời điểm giá mủ thấp, mỗi năm hàng tỷ đồng, riêng năm 2022, tổng các khoản tiền hỗ trợ là gần 5,8 tỷ đồng. Nhờ đó, Công ty không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều. Đây là một thành công của Công ty Cao su Kon Tum được Tập đoàn và cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao.  

PV: Chỉ còn hơn 3 tháng nữa là kết thúc năm 2023, Công ty Cao su Kon Tum có những giải pháp gì để giữ vững danh hiệu "Câu lạc bộ 2 tấn/ha", thưa đồng chí?

Đồng chí Lê Đức Hân: Năm 2023, Công ty Cao su Kon Tum đặt mục tiêu vượt khoảng 7% kế hoạch năm và giữ vững danh hiệu "Câu lạc bộ 2 tấn/ha" của ngành cao su Việt Nam. Ngoài những chủ trương, giải pháp được triển khai xuyên suốt từ đầu năm, Công ty phát động phong trào thi đua nước rút 4 tháng cuối năm 2023 gắn với Phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”. Yêu cầu các phòng chức năng, các nông trường, nhà máy rà soát lại từng chỉ tiêu để tập trung nhân lực, nguồn lực thực hiện. Tiếp tục thực hiện quản lý rừng bền vững và đẩy mạnh việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, chuyển đổi số, thâm canh, tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất, kinh doanh theo phương châm "sản xuất những sản phẩm mà thị trường cần". Tăng cường kỷ cương, kỷ luật, gắn trách nhiệm, tiền lương, tiền thưởng của cán bộ chủ trì các phòng chuyên môn, các nông trường, nhà máy vào hiệu quả sản xuất, kinh doanh của đơn vị. Nắm và giải quyết tốt vấn đề tư tưởng của cán bộ, công nhân viên, NLĐ. Phối hợp tốt với cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng tỉnh Kon Tum bảo vệ tài sản, giữ vững an ninh, an toàn xã hội trên địa bàn.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

NGUYỄN ANH SƠN (thực hiện)

Tags: Kon Tum