Hai lãnh đạo FLC Faros cùng xin từ nhiệm
Trước thông tin ông Trịnh Văn Quyết - người từng có nhiều đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) của FLC Faros - và 3 cá nhân liên quan bị khởi tố thêm tội danh mới, 2 lãnh đạo của FLC Faros đã xin từ nhiệm.
Ngày 25/8, HĐQT Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros (Mã: ROS) cho biết đã nhận được đơn xin từ nhiệm thành viên Ban Kiểm soát của ông Nguyễn Trọng Huyên và ông Doãn Việt Hoàng. HĐQT sẽ trình đại hội đồng cổ đông FLC Faros thông qua việc miễn nhiệm chức vụ thành viên Ban Kiểm soát đối với ông Huyên và ông Hoàng tại cuộc họp gần nhất.
Ông Nguyễn Trọng Huyên được bầu vào Ban Kiểm soát của FLC Faros tại đại hội cổ đông ngày 5/5/2020 và giữ chức Trưởng Ban Kiểm soát từ thời điểm đó đến nay. Ông Doãn Việt Hoàng và ông Trần Trung Tùng được bầu vào Ban Kiểm soát khoảng một năm sau ông Huyên, cụ thể là tại đại hội cổ đông ngày 25/5/2021.
Sau khi ông Huyên và ông Hoàng từ nhiệm, Ban Kiểm soát FLC Faros chỉ còn lại một thành viên là ông Trần Trung Tùng.
Ông Doãn Việt Hoàng là em trai của ông Doãn Văn Phương – người từng giữ chức Chủ tịch HĐQT FLC Faros và Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC trước khi ông Trịnh Văn Quyết nắm quyền.
Cũng trong ngày 25/8, Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE) phát ra thông báo huỷ niêm yết gần 567,6 triệu cổ phiếu FLC Faros (ROS) từ ngày 5/9. Trước đó một ngày, HOSE cho biết đã nhận được giải trình về nghĩa vụ công bố thông tin của ROS, nhưng nhận thấy công ty có khả năng không công bố đúng hạn báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm.
Ngoài ra, công ty này vẫn chưa nộp nhiều tài liệu khác như báo cáo tài chính quý I và II/2022, báo cáo tài chính kiểm toán và báo cáo thường niên 2021. Công ty cũng chưa họp đại hội đồng cổ đông thường niên, chưa đủ số lượng thành viên Hội đồng quản trị tối thiểu và chưa có người đại diện pháp luật.
HoSE nhận định ROS có thể tiếp tục vi phạm công bố thông tin và điều này sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi nhà đầu tư. Theo quy định hiện hành, cổ phiếu bị huỷ niêm yết nhưng vẫn đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng phải đăng ký giao dịch trên hệ thống UPCoM. Khi đó, biên độ dao động giá mỗi phiên là 15%, thay vì 7% như ở HoSE. Doanh nghiệp có cổ phiếu bị huỷ niêm yết bắt buộc chỉ được đăng ký niêm yết trở lại sau khi giao dịch tối thiểu hai năm trên UPCoM.
Cổ phiếu ROS đóng cửa tại mức 2.510 đồng và chịu áp lực bán tháo trước khi bị đình chỉ giao dịch từ 12/8.