Những doanh nghiệp nào nhiều tiền mặt nhất sàn chứng khoán?

10 doanh nghiệp có nhiều tiền mặt và tiền gửi nhất trên sàn chứng khoán đều là các tập đoàn lớn và doanh nghiệp đầu ngành. ⅓ trong số đó là các doanh nghiệp “họ” dầu khí.

Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS, Mã: GAS) là “vua tiền mặt” của các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán trong nửa đầu năm nay khi lượng tiền mặt và tiền gửi lên tới gần 44.000 tỷ đồng, chiếm 46% tài sản của doanh nghiệp dầu khí này. Đây cũng là mức dự trữ tiền cao kỷ lục của PV GAS.

Khoản tiền gửi và cho vay đóng góp hơn 830 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, chiếm 13% lợi nhuận sau thuế của đơn vị này.  Ngược lại, doanh nghiệp này có khoản vay và nợ thuê tài chính 4.400 tỷ, bằng 1/10 lượng tiền nhàn rỗi. 

Một đơn vị khác cũng thuộc “họ” dầu khí và có lượng tiền nhàn rỗi lớn là Lọc hoá dầu Bình Sơn (Mã: BSR). Tính đến 30/6/2024, doanh nghiệp này có gần 40.000 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi các kỳ hạn, chiếm 46% tổng tài sản. So với đầu năm, khoản tiền này đã tăng hơn 1.800 tỷ đồng, tương đương 5%. Số tiền này đã mang về cho BSR hơn 640 tỷ đồng tiền lãi trong 6 tháng.

Một doanh nghiệp cùng họ dầu khí khác cũng giữ nhiều tiền là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, Mã: PLX). Tổng lượng tiền vượt trên 28.000 tỷ đồng đã mang về cho PLX hơn 510 tỷ lãi tiền gửi trong 6 tháng.

Bên cạnh việc thường xuyên có lượng tiền nhàn rỗi chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu tài sản, một đặc điểm chung nữa giữa 3 đơn vị này là có rất ít các khoản đầu tư ngắn hạn khác như vào chứng khoán, trái phiếu,... Đa phần lượng tiền đều được gửi ngân hàng để hưởng lãi. 

Trong lĩnh vực bất động sản, Tập đoàn Vingroup (Mã: VIC) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng sở hữu hơn 32.700 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi, tương đương 5% tổng tài sản. Tính riêng quý II, tập đoàn nhận về hơn 1.000 tỷ đồng cho lãi tiền gửi, tiền cho vay và các khoản đặt cọc, gần gấp đôi cùng kỳ năm ngoái. 

Trong lĩnh vực bán lẻ, Thế giới di động (Mã: MWG) tại báo cáo tài chính quý II/2024 cũng vừa ghi nhận lượng tiền, tiền gửi ngân hàng lên mức cao kỷ lục với gần 31.000 tỷ, tăng 24% so với đầu năm. Đây cũng là con số tiền, tiền gửi ngân hàng cao nhất trong lịch sử hoạt động của MWG. Khoản tiền gửi dồi dào giúp doanh nghiệp thu về khoản lãi tiền gửi 958 tỷ đồng trong nửa đầu năm, tăng 57% so với cùng kỳ năm ngoái.

Dù nắm giữ lượng lớn tiền nhưng MWG vẫn đi vay ngân hàng nhằm tối ưu nguồn thu tài chính khi áp dụng nghiệp vụ vay lãi suất thấp và gửi lãi suất cao. Tổng dư nợ cuối kỳ của MWG gần 24.000 tỷ đồng, giảm hơn 1.450 tỷ so với đầu năm. Trong đó, dư nợ dài hạn là 6.087 tỷ, được vay bằng USD, dự kiến đáo hạn ngày 16/9/2025, còn lại đều là vay ngắn hạn. MWG vay chủ yếu từ ngân hàng và đều là các khoản vay tín chấp với lãi suất thả nổi nhằm bổ sung nhu cầu vốn lưu động.

CTCP FPT (Mã: FPT) cũng đang là đơn vị sở hữu lượng tiền lớn tính đến hết nửa đầu năm nay với hơn 26.700 tỷ, tăng 10% so với đầu năm. 

Quý vừa rồi, “đại gia ngành sữa” là CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk, Mã: VNM) tiếp tục duy trì tỷ trọng tiền mặt lớn, với tổng giá trị gần 24.230 tỷ đồng, chiếm 45% tổng tài sản. Nửa đầu năm, Vinamilk thu về 675 tỷ đồng lãi tiền gửi ngân hàng.

Tại Tập đoàn Hòa Phát (mã: HPG), lượng tiền mặt và tiền gửi tính đến hết nửa đầu năm là hơn 28.000 tỷ đồng, giảm 18% từ đầu năm. Tài sản dài hạn lại tăng 74% so với đầu năm, đây là tiền đầu tư các dự án của Hòa Phát. Trong đó, phần lớn số tiền này được công ty "bơm" cho dự án khu liên hiệp Gang thép Dung Quất. 

Ngoài việc gia tăng tiền gửi ngân hàng, các doanh nghiệp cũng gia tăng việc đi vay để tận dụng hưởng chênh lệch lãi suất. Nhìn chung, các công ty thống kê có lãi tiền gửi trừ chi phí lãi vay là số dương. Có hai trường hợp là Vingroup và Hòa Phát là đi vay nhiều hơn số tiền gửi ngân hàng đang nắm giữ.

 

Lượt xem: 14
Nguồn:doanhnhanvn.vn Sao chép liên kết