TKV: Đáp ứng đủ than cho nền kinh tế, nâng cao năng lực xử lý nước thải mỏ

Từ đầu năm 2023 đến nay, mặc dù đối mặt với không ít khó khăn nhưng các đơn vị thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) luôn chủ động điều hành linh hoạt giữa sản xuất và tiêu thụ, đáp ứng đủ than cho nền kinh tế, nhất là đối với ngành Điện. Cùng với đó, đặc biệt quan tâm, chú trọng gắn sản xuất với bảo vệ môi trường.

Article thumbnail
TKV tiêu thụ than qua cảng Cửa Ông. Ảnh: TTTT

Sản lượng tăng 10 - 15% so với kế hoạch

Theo TKV, đứng trước nhu cầu tiêu thụ than trong nước tiếp tục tăng cao, nhất là trong những tháng cao điểm tiêu thụ điện, Tập đoàn đã chỉ đạo các đơn vị thành viên tranh thủ thời tiết thuận lợi, đẩy cao nhịp độ sản xuất, tập trung khai thác than tối đa.

Trung bình các tháng cao điểm về sản xuất (tháng 5, 6, 7, 8), sản lượng than của các đơn vị khối sản xuất trong Tập đoàn đều tăng 10-15% so với kế hoạch đề ra. Từ tháng 5 đến nay, hầu hết các mỏ hầm lò và lộ thiên đang sản xuất tăng thêm khoảng 500.000 tấn than/tháng so với kế hoạch đề ra. Nhờ đó, sản lượng than cấp cho các hộ sản xuất điện đang được đảm bảo và vượt so với kế hoạch. Trung bình mỗi ngày TKV đang cung cấp khoảng 140.000 tấn than cho các nhà máy nhiệt điện, vượt 25.000 tấn so với kế hoạch.

Ngoài sản lượng than nguyên khai sản xuất được, TKV cũng chủ động nguồn than nhập khẩu để pha trộn, cấp cho các nhà máy nhiệt điện. Trong những tháng cao điểm về sản xuất, trung bình mỗi tháng TKV nhập khẩu thêm khoảng 400.000-500.000 tấn than so với kế hoạch.

Bên cạnh đó, các đơn vị khối sàng tuyển, tiêu thụ của TKV cũng đang tăng cường năng lực, vận hành hết công suất hệ thống sàng tuyển, chế biến tối đa các chủng loại than; kịp thời tiếp nhận nguồn than nhập khẩu để pha trộn, đảm bảo cung cấp đủ than cho các hộ sản xuất điện, đạm, phân bón theo hợp đồng đã ký.

Theo Bộ Công thương, năm 2023, dự kiến than thương phẩm sản xuất khoảng 57,88 triệu tấn; trong đó, than thương phẩm sản xuất trong nước khoảng 44,68 triệu tấn, than nhập khẩu khoảng 13,2 triệu tấn. Tổng than tiêu thụ khoảng 56,95 triệu tấn; trong đó, cung cấp cho các hộ sản xuất điện khoảng 46,16 triệu tấn, hộ sản xuất phân bón - hóa chất khoảng 2,5 triệu tấn, hộ sản xuất xi măng khoảng 1,74 triệu tấn, các hộ khác khoảng 4,52 triệu tấn và xuất khẩu khoảng 2,03 triệu tấn.

Chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Công thương là trong mọi tình huống TKV phải bảo đảm đủ nguồn cung than cho sản xuất điện, đạm để phục vụ phát triển kinh tế đất nước và sinh hoạt của người dân; không được để thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung than, kể cả việc thiếu hụt, đứt gãy cục bộ.

 Máy phun sương cao áp dập bụi tại khu vực kho than Công ty CP Than Hà Tu đang hoạt động hiệu quả. Ảnh: TTTT

Để hoàn thành nhiệm vụ, TKV và các đơn vị thành viên đang nỗ lực ở mức cao nhất, thực hiện hiệu quả các giải pháp nâng cao năng lực sản xuất, chế biến than, nhằm sản xuất tối đa các chủng loại than theo nhu cầu sử dụng của các hộ tiêu thụ; đặc biệt là những chủng loại than cho sản xuất điện. Dự kiến, từ nay đến cuối năm, TKV sẽ tiêu thụ khoảng 16 triệu tấn than, phục vụ cho các hộ khách hàng, chủ yếu là ngành điện.

Gắn sản xuất với bảo vệ môi trường

Thời gian qua, song hành cùng sản xuất, TKV luôn đặc biệt quan tâm, chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Thực hiện chủ trương phát triển từ “nâu” sang “xanh” của tỉnh Quảng Ninh, hàng năm, TKV đã dành kinh phí hơn 1.300 tỷ đồng cho công tác bảo vệ môi trường trong toàn Tập đoàn; trong đó, riêng vùng Quảng Ninh khoảng 1.100 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí này, nhiều dự án, công trình môi trường được đầu tư đưa vào hoạt động phục vụ hiệu quả công tác bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất của TKV.

Đối với công tác xử lý nước thải mỏ, năm 2022, ngành Than đã đầu tư, hoàn thành nâng công suất 5 trạm xử lý nước thải mỏ... Đến nay, toàn Tập đoàn có 50 trạm xử lý nước thải trong hoạt động sản xuất than; trong đó, 47 trạm xử lý nước thải mỏ, 3 trạm xử lý nước thải công nghiệp.

Tổng lượng nước thải mỏ đã qua xử lý khoảng 150 triệu m3/năm và đều được xử lý bảo đảm quy chuẩn trước khi xả thải ra môi trường. Các trạm xử lý nước thải mỏ cũng được TKV đầu tư lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động, kết nối thông số kỹ thuật, giám sát tự động xử lý nước thải các trạm được truyền dữ liệu về Trung tâm Quan trắc môi trường Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh để giám sát, quản lý.

Trạm xử lý nước thải 1.200m3/h Mạo Khê được đưa vào hoạt động từ năm 2011. Sau hơn 10 năm đi vào hoạt động, trước nhu cầu khai thác than hầm lò mỏ Mạo Khê xuống sâu, phát sinh nước thải mỏ ngày càng tăng cao, TKV đã đầu tư hơn 50 tỷ đồng cho dự án nâng công suất trạm xử lý nước thải 1.200m3/h lên công suất 2.400m3/h, đây là một trong những trạm có công suất xử lý nước thải lớn nhất hiện nay.

Để đáp ứng được năng lực xử lý nước thải mỏ, dự kiến giai đoạn 2022 - 2025, TKV tiếp tục đầu tư nâng công suất thêm 5 trạm xử lý nước thải tại 5 mỏ, gồm: Cọc Sáu, Cao Sơn, Dương Huy, Núi Béo và Thành Công (Than Hòn Gai)…

Với nhiều giải pháp được áp dụng tại các đơn vị, ngành Than đã và đang xử lý, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường mới phát sinh; chất lượng môi trường, cảnh quan các khu vực có hoạt động sản xuất của TKV và các khu vực dân cư, đô thị lân cận đã được cải thiện. Qua đó, từng bước giảm ảnh hưởng của quá trình khai thác, chế biến than, khoáng sản đến môi trường; đưa công nghiệp khai khoáng trở thành ngành kinh tế phát triển hài hòa, thân thiện với môi trường, với cộng đồng.

Tin liên quan
Nội dung đang được cập nhật.