VNG có thể tiếp tục bỏ lỡ cơ hội IPO tại Mỹ

Kế hoạch IPO trên Nasdaq của VNG có thể sẽ không diễn ra như dự kiến.

Cuối tháng 8, VNG Limited - pháp nhân sở hữu sở hữu 61,12% cổ phần CTCP VNG (UPCoM: VNZ), thông báo về việc nộp hồ sơ đăng ký theo mẫu F-1 lên Uỷ ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ (SEC). Dự kiến, VNG Limited sẽ IPO trên sàn chứng khoán Nasdaq với mã giao dịch “VNG”.

Nguồn tin của tờ Wall Street Journal cho biết, VNG Limited đang nhắm mục tiêu IPO vào cuối tháng 9 năm nay.

Tuy nhiên, theo nguồn tin riêng của chúng tôi kế hoạch lên sàn Nasdaq vào ngày 27/9 tới của VNG sẽ không diễn ra như dự kiến.

Hiện, VNG không có bình luận gì về thông tin trên.

Chưa rõ nguyên nhân tại sao kế hoạch IPO lại bị hoãn. Theo tìm hiểu của người viết, việc niêm yết trên Nasdaq bị chậm trễ thường do hai nguyên nhân: Vấn đề ở hồ sơ và thời điểm chưa phù hợp.

Về tổng quan thị trường: Theo báo cáo từ Ernst & Young, các hoạt động niêm yết trong nửa đầu năm nay trên thị trường chứng khoán Mỹ diễn ra chậm chạm và chưa thể sôi động trở lại. Dù vậy, 6 tháng đầu năm, đã có 63 đợt IPO tại Mỹ, huy động tổng cộng hơn 10 tỷ USD, tương ứng với mức tăng 115% và 24% so với cùng kỳ năm ngoái.

 

Những yếu tố gây ra sự trì trệ trên thị trường IPO chủ yếu là do lạm phát dai dẳng, bất ổn địa chính trị và lãi suất tăng cao. Báo cáo phân tích nhận định thị trường IPO có thể mất nhiều thời gian hơn để phục hồi so với dự báo của nhiều người trước đó. 

Cuộc khủng hoảng ngân hàng bất ngờ diễn ra trong nửa đầu năm 2023 đã gây ra sự bất ổn trên thị trường. Hiện tại, nỗi lo lắng lây lan dường như đã giảm bớt và thị trường có thể khởi sắc khi qua năm 2024.

Không chỉ tại Mỹ, trên thế giới, đầu năm nay đã chứng kiến hơn 600 đợt IPO huy động được khoảng 60 tỷ USD lần lượt giảm 5% về số lượng và 36% về giá trị so với cùng kỳ. Những kết quả khiêm tốn này tiếp tục phản ánh tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm chạp, chính sách tiền tệ thắt chặt và căng thẳng địa chính trị gia tăng.

Lãi suất cao và hiệu suất giá cổ phiếu kém sau IPO cũng khiến các nhà đầu tư tìm kiếm các loại tài sản đầu tư khác.

 

Dù vậy, ông Mark Schwartz, Trưởng nhóm cố vấn IPO và SPAC tại Ernst & Young, vẫn đưa ra dự báo lạc quan khi cho rằng: “Mặc dù tốc độ IPO tiếp tục chậm lại, nhưng những cải thiện gần đây về tâm lý thị trường có thể là một chỉ báo tích cực cho cuối năm nay hoặc năm sau”.

Bà Rachel Gerring - Trưởng nhóm IPO của EY tại khu vực châu Mỹ cho biết với bối cảnh đang được cải thiện, những công ty muốn IPO nên chuẩn bị sẵn sàng khi thị trường mở cửa trở lại.

“Bây giờ là lúc để các doanh nghiệp kích hoạt lại kế hoạch IPO và xây dựng sức mạnh để hoạt động với tư cách là một công ty đại chúng. Sự chuẩn bị tốt là chìa khóa để tự tin tận dụng các cơ hội thị trường tiềm năng”, bà Rachel chia sẻ.

Về chuẩn bị hồ sơ: Câu chuyện bỏ lỡ IPO vì hồ sơ của VinFast - hãng xe điện do tỷ phú Phạm Nhật Vượng thành lập, vừa niêm yết trên Nasdaq hồi tháng 8 có thể coi là ví dụ.

Trao đổi với người viết, bà Lê Thị Thu Thuỷ - CEO VinFast, tiết lộ từ hai năm trước (đầu năm 2021) ban lãnh đạo VinFast đã bắt đầu nung nấu ý tưởng niêm yết. Thời điểm đó, lựa chọn niêm yết qua SPAC đang “rất nóng”. Nhưng VinFast đã không đón được “sóng” của thị trường bởi tiêu chuẩn về pháp lý rất cao tại thị trường tài chính Mỹ.

Hãng xe điện của ông Vượng đã không thể hoàn thiện kịp báo cáo tài chính kiểm toán đáp ứng đúng yêu cầu.

Mãi đến 22/5/2021, VinFast mới hoàn thành BCTC theo đúng chuẩn mực kế toán tại Mỹ. Nhưng từ tháng 4 thị trường SPAC đã có dấu hiệu hạ nhiệt. Công ty đã tính đến phương án IPO theo cách truyền thống song thị trường chứng khoán nói chung lại bắt đầu gặp khó khăn trong hai năm.

Đến tháng 4/2023, ban lãnh đạo VinFast tiếp tục nhận thấy thị trường rất khó và đặc biệt sau ngân hàng Silicon Valley Bank phá sản, sau đó đến những ngân hàng lớn cũng sáp nhập…, trong khi thị trường IPO vẫn đóng cửa gần hai năm.

Cho đến tháng 8 năm nay, khi được gỡ bỏ áp lực huy động vốn nhờ cam kết hỗ trợ tài chính từ ông Phạm Nhật Vượng và tập đoàn Vingroup, VinFast mới chính thức lên sàn chứng khoán Mỹ thông qua SPAC.

Với thông tin mới nhất, VNG có thể được xem là lại một lần nữa bỏ lỡ cơ hội IPO. Từ năm 2017, lãnh đạo công ty đã xem xét khả năng niêm yết trên Nasdaq - là một trong những doanh nghiệp Việt nung nấu ý tưởng này sớm nhất.

Kế hoạch này liên tục bị trì hoãn. Đến cuối năm 2022, các nguồn tin của Bloomberg cho biết VNG đã lên kế hoạch để niêm yết cổ phiếu tại Mỹ thông qua SPAC, với định giá từ 2-3 tỷ USD.

Khi ấy, trả lời Bloomberg, ông Lê Hồng Minh bày tỏ mong muốn “trở thành một công ty công nghệ toàn cầu. Vì vậy, chúng tôi phải chơi cùng một sân và tiếp cận nền tảng nhà đầu tư tốt nhất, cũng khắt khe nhất thế giới”.

Tuy nhiên thay vì lên sàn Nasdaq, đầu năm nay, CTCP VNG đã chính thức lên sàn UPCoM với mã VNZ.

Mới đây, trả lời tờ DealStreetAsia, ông Bob McCooey, Phó Chủ tịch Nasdaq, người phụ trách phát triển các công ty mới niêm yết khu vực châu Mỹ Latinh và châu Á - Thái Bình Dương, đánh giá cao khả năng được các nhà đầu tư chào đón khi niêm yết trên Nasdaq của VNG.

Ông Bob McCooey cho biết các công ty Đông Nam Á mang đến cho nhà đầu tư một lựa chọn khi họ tìm kiếm sự đa dạng về mặt địa lý và khả năng tiếp cận một trong những thị trường phát triển nhanh nhất.

“Trong một thời gian dài, cách duy nhất để các nhà đầu tư tiếp cận thị trường Đông Nam Á là mua cổ phiếu của Sea. Ngày nay có Grab, VinFast và sắp tới là VNG. Ngày càng có nhiều công ty có thể mang lại cơ hội tiếp cận một thị trường có cơ hội tăng trưởng to lớn”, vị Phó Chủ tịch Nasdaq, chia sẻ.

Lượt xem: 7
Nguồn:doanhnhanvn.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan
Nội dung đang được cập nhật.