Để doanh nghiệp Việt không thua trên sân nhà

Cách đây vài năm, taxi công nghệ trở thành một xu hướng mới, chiếm lĩnh thị trường vận tải taxi ở nhiều thành phố lớn của nước ta.

Thời điểm đó, hầu hết hãng taxi truyền thống rơi vào khó khăn, cắt giảm nhân sự, thua lỗ. Tuy nhiên, thời gian gần đây, taxi truyền thống đang dần trở lại với diện mạo mới, tích cực ứng dụng công nghệ, đáp ứng nhu cầu hành khách. Câu chuyện cạnh tranh của thị trường taxi cho thấy, để không thua ngay trên chính sân nhà, doanh nghiệp cần nắm giữ được giá trị cốt lõi là chất lượng sản phẩm, dịch vụ, sự tận tâm với khách hàng và phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Trong giai đoạn đầu, với sự hậu thuẫn của các công ty đa quốc gia, taxi công nghệ được khách hàng đón nhận bởi sự tiện dụng, hiện đại, biết trước quãng đường di chuyển và số tiền phải trả, giá cước lại rẻ hơn nhờ mạnh tay chi cho các chương trình khuyến mại. Trong khi đó, các hãng taxi truyền thống vẫn giữ cách quản lý, vận hành theo phương thức cũ, đặt xe qua tổng đài, bắt khách trên đường. Cá biệt có trường hợp lái xe đi lòng vòng, cước phí đội lên cao khiến hành khách phản ứng. Sự thất thế trên thị trường, khách hàng quay lưng khiến các hãng taxi truyền thống buộc phải thay đổi.

Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp taxi truyền thống đang dần trở lại với diện mạo mới, tích cực ứng dụng công nghệ, đáp ứng nhu cầu hành khách. Ảnh minh họa: autopro.com.vn 

Trong đó có việc triển khai các giải pháp công nghệ giúp đặt xe dễ dàng qua ứng dụng điện tử, công khai giá cước, quãng đường để khách hàng lựa chọn. Một số hãng taxi liên kết với nhau để tăng số lượng đầu xe. Hành khách đi taxi truyền thống cũng không phải chịu các loại phụ phí khi tắc đường, trời mưa, nắng nóng... như với taxi công nghệ. Ngoài cạnh tranh về giá cả, việc tăng chất lượng dịch vụ, nâng cao trải nghiệm của hành khách là điểm mấu chốt giúp taxi truyền thống dần lấy lại vị thế.

Với mức độ hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, sự xuất hiện của các thương hiệu toàn cầu tại Việt Nam và cạnh tranh với doanh nghiệp trong nước ngay trên sân nhà đã không còn xa lạ. Không chỉ có ngành vận tải mà nhiều lĩnh vực khác từ bán lẻ, dịch vụ tiêu dùng đến thực phẩm, bất động sản đều có sự tham gia mạnh mẽ của các thương hiệu ngoại. Để không bị đánh bại trên sân nhà, doanh nghiệp Việt cần khai thác tối đa một trong những thế mạnh lớn nhất của mình đó là sự am hiểu thị trường, nhất là văn hóa, thói quen, nhu cầu người Việt Nam. Đây sẽ là cơ sở cho doanh nghiệp cải tiến hơn nữa sản phẩm, dịch vụ, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng trong nước.

Chúng ta đang tích cực triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tuy nhiên, muốn được người tiêu dùng đón nhận, quan trọng hơn cả vẫn là sự tận tâm, không vì lợi ích trước mắt mà bỏ qua quyền lợi khách hàng. Sẵn sàng đối diện và chấp nhận cạnh tranh một cách bình đẳng, lành mạnh cũng là điều kiện giúp mỗi đơn vị sản xuất, kinh doanh tự hoàn thiện, phát huy hơn nữa tiềm năng, thế mạnh. Cùng với đó là sự linh hoạt, thích ứng, đổi mới, bắt kịp xu hướng, không để bị tụt hậu. Trong môi trường cạnh tranh, người tiêu dùng cũng được hưởng lợi nhờ giá cả hợp lý và chất lượng sản phẩm, dịch vụ ngày càng tốt hơn.

Việt Nam hiện đã có không ít doanh nghiệp lớn mạnh, vươn tầm ra khu vực và thế giới. Mặc dù vậy, thị trường nội địa luôn được xác định là điểm tựa vững chắc, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thế giới còn những biến động khó lường. Giữ vững được điểm tựa này chính là tạo nền tảng đưa thương hiệu Việt không ngừng vươn xa.

ĐỖ MẠNH HƯNG

Lượt xem: 31
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết