Dồn dập tăng vốn, ngân hàng củng cố nội lực, kìm cương lãi suất
Vốn điều lệ cao sẽ là “bộ đệm” giúp cho các ngân hàng có thêm nguồn lực để chống chọi với những khó khăn, thách thức; đồng thời, hỗ trợ DN nói riêng và nền kinh tế nói chung phục hồi hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Ngày 23/8 là ngày đăng ký cuối cùng để Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) chốt danh sách cổ đông được nhận cổ tức bằng cổ phiếu, từ lợi nhuận sau thuế để lại lũy kế của năm 2021. MBBank sẽ phát hành thêm 755,6 triệu cổ phiếu mới. Như vậy, sau khi hoàn tất giao dịch chia cổ tức kể trên, vốn điều lệ MB sẽ tăng lên hơn 45.339 tỷ đồng, tương đương mức tăng thêm 7.556 tỷ đồng.
Không riêng MBBank, hàng loạt ngân hàng đã được cơ quan quản lý chấp thuận việc tăng vốn điều lệ thời gian gần đây. Theo đó, SHB được chấp thuận thay đổi vốn điều lệ lên 26.674 tỷ đồng. Lãnh đạo SHB cho biết kế hoạch đặt ra tới đây, ngân hàng tiếp tục nâng vốn điều lệ lên mức 36.459 tỷ đồng trong năm nay để nằm trong top 3 nhà băng tư nhân lớn nhất về vốn.
Cũng trong nửa đầu tháng 8, cơ quan quản lý tiền tệ đã chấp thuận để HDBank tăng vốn điều lệ từ 20.273 tỷ đồng lên 25.503 tỷ đồng. Với trên 5.000 tỷ đồng vốn điều lệ tăng thêm, HDBank dự kiến dùng 3.000 tỷ để bổ sung nguồn vốn cho vay trung dài hạn, phần còn lại sẽ được bổ sung vốn lưu động cho các hoạt động khác.
Trong khi đó, VPBank cũng tăng vốn điều lệ thêm tối đa 22.377 tỷ đồng, dưới hình thức phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn chủ sở hữu đã được Đại hội đồng cổ đông VPBank thông qua. Hiện vốn điều lệ của VPBank đang là 45.056 tỷ đồng, cao nhất trong nhóm ngân hàng thương mại tư nhân, và chỉ xếp sau 3 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước là BIDV, VietinBank và Vietcombank. Sau khi tăng vốn thành công, vốn điều lệ của VPBank dự kiến đạt 67.433 tỷ đồng, vươn lên trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống.
Trước đó, hàng loạt ngân hàng như Kienlongbank, SeABank, Techcombank, ACB, Vietcapital Bank, Nam Á, OCB… đều đã được NHNN chấp thuận việc tăng vốn điều lệ. Trong đó, các phương án tăng phổ biến của nhóm ngân hàng này là chia cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu và phát hành cổ phiếu ESOP cho nhân viên.
Bảng xếp hạng hiện nay sẽ sớm có những xáo trộn mạnh tiếp theo khi các ngân hàng như Vietcombank, BIDV, VietinBank vẫn đang có kế hoạch tăng vốn.
Tăng thêm “bộ đệm” cho ngân hàng
Việc "chạy đua" tăng vốn điều lệ của ngành ngân hàng đã diễn ra mạnh mẽ từ nhiều năm. Thời gian qua, nó càng nổi bật khi đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025” được công bố.
Theo đề án này, đến năm 2025, nhóm ngân hàng có tiềm lực tài chính, năng lực cạnh tranh, quy mô lớn phải có vốn điều lệ tối thiểu đạt 15.000 tỷ đồng. Còn nhóm ngân hàng có tiềm lực tài chính, năng lực cạnh tranh, quy mô nhỏ - trung bình và ngân hàng thương mại có vốn nước ngoài, vốn điều lệ tối thiểu đạt 5.000 tỷ đồng.
Thống kê cho thấy, trong năm 2022, có 22 ngân hàng dự kiến tăng vốn điều lệ, với tổng giá trị tăng thêm lên đến 154.000 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay. Nếu so với kế hoạch tăng 100.000 tỷ đồng đặt ra hồi năm ngoái, con số này cao gấp 1,5 lần. Giới chuyên gia dự báo, với đề án cơ cấu, không chỉ trong năm nay, mà thời gian tới kế hoạch tăng vốn điều lệ của các ngân hàng sẽ trở nên mạnh mẽ hơn.
PGS.TS Ðinh Trọng Thịnh (giảng viên Học viện Tài chính) nhìn nhận, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) bình quân của các ngân hàng Việt Nam không cao và nợ xấu có dấu hiệu gia tăng, nên các ngân hàng càng cần tăng vốn điều lệ để tăng cường năng lực tài chính. Việc tăng vốn điều lệ nếu diễn ra thành công, với nguồn vốn tăng thêm cũng là một trong những yếu tố có thể giúp kìm cương đà tăng của lãi suất trong năm nay. Khi các ngân hàng với nguồn vốn tự có ngày càng dồi dào hơn sẽ giảm bớt áp lực phải tăng cường huy động vốn trên thị trường 1 bằng mọi giá.
Ông Nguyễn Minh Cường - chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định, tốc độ phục hồi kinh tế toàn cầu chậm lại và giá dầu thế giới tăng cao do cuộc chiến giữa Nga và Ukraine sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam. Ngoài ra, những bất ổn trên thị trường tài chính toàn cầu, và việc các nền kinh tế tiên tiến ngừng thực hiện chính sách tiền tệ, tài khóa mở rộng sẽ làm suy yếu đồng nội tệ của Việt Nam, làm cho nhập khẩu đắt hơn đồng thời gia tăng áp lực lạm phát.
“Nợ xấu gia tăng là một rủi ro khác trong trung hạn. Nếu tính thêm các khoản cho vay được cơ cấu lại vẫn giữ nguyên nhóm nợ, tỷ lệ nợ xấu tiềm năng của Việt Nam ước tính là 8,2% tổng dư nợ” - chuyên gia của ADB nhận định. Theo đó, vốn điều lệ cao sẽ là “bộ đệm” giúp cho các ngân hàng có thêm nguồn lực để chống chọi với những khó khăn, thách thức, đồng thời hỗ trợ DN nói riêng và nền kinh tế nói chung phục hồi hoạt động sản xuất - kinh doanh.