Giảm chất thải nhựa để phát triển nền sản xuất nông nghiệp hiệu quả và bền vững
Sáng 31-5, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) phối hợp cùng Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, Chương trình đối tác hành động Quốc gia về Nhựa (NPAP) và Mạng lưới Kinh tế tuần hoàn Việt Nam tổ chức hội thảo Quản lý chất thải nhựa ngành nông nghiệp, thực trạng và giải pháp.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến và bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam đồng chủ trì hội thảo. Đây là một trong hoạt động của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hưởng ứng kỷ niệm 45 năm Ngày Môi trường thế giới năm 2023 với chủ đề “Giải pháp cho ô nhiễm nhựa”.
Nông nghiệp và phát triển nông thôn là một trong những ngành kinh tế quan trọng của quốc gia. Theo báo cáo tổng kết ngành nông nghiệp Việt Nam năm 2022 của Bộ NN-PTNT, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt trên 53,22 tỷ USD với sự gia tăng đáng kể trong các lĩnh vực từ nông nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi và thủy sản. Các hoạt động sản xuất nông nghiệp góp phần thiết yếu trong bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, ổn định đời sống và an sinh xã hội. Tuy nhiên, hoạt động này cũng tạo áp lực lớn cho môi trường, trong đó có vấn đề chất thải nhựa trong ngành. Tổng lượng chất thải rắn (bao gồm chất thải nhựa) phát sinh từ trồng trọt khoảng 661,5 nghìn tấn/năm (gồm 550 nghìn tấn ni lông, 77,49 nghìn tấn vỏ bao bì phân bón và 33,98 nghìn tấn vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật); chất thải rắn phát sinh từ chăn nuôi là 67,93 triệu tấn, trong đó riêng chất thải nhựa 77 nghìn tấn từ nhựa vỏ bao bì thức ăn; thủy sản là 880 nghìn tấn bùn thải và 273 nghìn tấn chất thải nhựa từ bao bì thức ăn, vỏ thuốc thú y và các loại chất rắn khác.
Toàn cảnh hội thảo |
Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, rác thải nhựa là vấn đề lớn mang tính toàn cầu cần phải giải quyết trong đó có rác thải nhựa trong nông nghiệp. Hội thảo là cơ hội để các cơ quan quản lý Trung ương và địa phương, các tổ chức, cá nhân thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm nhằm thúc đẩy các giải pháp hành động giảm thiểu chất thải nhựa ngành nông nghiệp một cách có hệ thống, đồng thời, huy động nguồn lực của tất cả các bên nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động sản xuất, hướng tới phát triển nền sản xuất nông nghiệp có trách nhiệm, hiện đại, hiệu quả và bền vững; nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Để thực hiện thành công kế hoạch quốc gia về giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành nông nghiệp và thủy sản, Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, bà Ramla Khalidi khuyến nghị rằng: “Một là đẩy nhanh các giải pháp hiệu quả hướng tới kế hoạch quốc gia. Hai là xây dựng dữ liệu cơ sở về ô nhiễm nhựa và chất thải nhựa, cũng như hệ thống giám sát khả thi từ cấp quốc gia đến cấp tỉnh để đánh giá quá trình giảm thiểu chất thải nhựa trong lĩnh vực nông nghiệp. Ba là thúc đẩy những mô hình thu gom và tái chế hiệu quả, sử dụng vật liệu đóng gói thay thế cho nhựa dùng một lần trên đồng ruộng. Và cuối cùng là tập huấn để người dân và các bên liên quan trong nông nghiệp về tác động đến môi trường của nhựa, cũng như sự sẵn có của các giải pháp thay thế”.