Kinh tế phục hồi ngoạn mục

6 tháng đầu năm 2022, kinh tế Việt Nam ghi dấu với sự phục hồi ngoạn mục. Theo Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm ước tăng 6,42%, cao hơn cùng kỳ năm 2020 và năm 2021, riêng GDP quý II-2022 tăng tới 7,72% so với cùng kỳ năm trước và cao nhất trong 10 năm qua.

Cần nhớ lại rằng, do tác động của dịch Covid-19, mức tăng GDP của năm 2021 là thấp nhất trong 10 năm (tăng 2,58%), để thấy sự phục hồi, đảo chiều ngoạn mục của kinh tế nước ta nửa đầu năm 2022.

Sự phục hồi kinh tế đang diễn ra khá đồng đều trên cả 3 khu vực và ở hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước trong suốt nửa đầu năm 2022; trong đó: Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng cao nhất với 7,7%; khu vực dịch vụ tăng 6,6% và khu vực nông nghiệp tăng 2,78%. Đặc biệt, hoạt động ngoại thương có sự tăng trưởng mạnh mẽ, với xuất khẩu đạt 185,94 tỷ USD, tăng 17,3% và nhập khẩu đạt 185,23 tỷ USD, tăng 15,5%, tức mức tăng xuất khẩu cao hơn nhập khẩu và cả nước vẫn duy trì được trạng thái xuất siêu hàng hóa là 710 triệu USD. Cùng với đó, trong khi "cơn bão" lạm phát đang quét qua nhiều nền kinh tế lớn của thế giới thì chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Việt Nam vẫn trong tầm kiểm soát, với CPI bình quân 6 tháng năm 2022 chỉ tăng 2,44% so cùng kỳ năm trước.

 Công nhân trở lại nhà máy làm việc tại Khu công nghiệp Đồng An 1, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương. Ảnh:TTXVN.

Tín hiệu phục hồi kinh tế được dựa trên sự phục hồi tổng cầu thị trường tiêu thụ trong nước, thể hiện qua mức tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (tăng tới 11,7%, đạt hơn 2.717 nghìn tỷ đồng); sự bùng nổ của các hoạt động dịch vụ vận tải và du lịch (vận chuyển hành khách tăng 6,2%, thu hút khách du lịch quốc tế tăng 582,2% so cùng kỳ năm trước). Sự phục hồi kinh tế cũng được thúc đẩy bởi mức tăng tổng vốn đầu tư xã hội tới 9,6% và tăng ở cả 3 khu vực, vốn nhà nước (tăng 9,5%), vốn ngoài nhà nước (tăng 9,9%) và vốn FDI (tăng 8,9%). Phục hồi kinh tế còn được khẳng định và thúc đẩy bởi sự gia tăng mạnh số lượng doanh nghiệp thành lập mới (76.233 doanh nghiệp, tăng 13,6%) và quay trở lại hoạt động (40.667 doanh nghiệp, tăng 55,6%). Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới (14,03 tỷ USD) và FDI thực hiện (10,06 tỷ USD) đều tăng cao.

Việt Nam đang có thêm nhiều cơ hội từ sự cải thiện môi trường đầu tư và tuân thủ các cam kết hội nhập, giúp cải thiện nhiều chỉ số xếp hạng quốc tế quan trọng, củng cố niềm tin của các nhà đầu tư. Năm 2021, Việt Nam chính thức được bước vào nhóm các nền kinh tế có "tự do trung bình" (Moderately Free) nhờ cải thiện chỉ số tự do kinh tế, cũng như nằm trong khoảng tin cậy (từ khoảng 42 đến 47) trong xếp hạng của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) của Liên hợp quốc. Tháng 5 vừa qua, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế S&P nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+, triển vọng “ổn định”.

Vậy đâu là động lực cho tăng trưởng kinh tế thời gian qua? Động lực phục hồi, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trước hết đến từ sự thành công của chiến lược tiêm phủ vaccine trên cả nước, giúp các hoạt động kinh tế trở về trạng thái bình thường mới. Động lực tăng trưởng còn là sự kế tục thành quả đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế, cũng như nhờ xuất khẩu tăng trưởng, nhu cầu nội địa mạnh mẽ và vị thế điểm đến hàng đầu Đông Nam Á về thu hút FDI, các quan hệ đối ngoại mở rộng vững chắc; chính sách tài khóa, nợ công linh hoạt và hiệu quả.

Động lực tăng trưởng kinh tế năm 2022 còn tiếp tục gia tăng từ sự thúc đẩy các quá trình tự động hóa và số hóa, tăng cường ứng dụng công nghệ trong nhiều lĩnh vực kinh tế và quản lý nhà nước đối với xã hội. Động lực còn được bổ sung từ thực tiễn triển khai nghị quyết của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, với tổng quy mô gói hỗ trợ 347.000 tỷ đồng và quyết tâm đẩy mạnh giải ngân đầu tư công gắn với chống tham nhũng, sử dụng các nguồn lực hiệu quả, kiểm soát an toàn nợ công, kiểm soát lạm phát và nợ xấu, nới lỏng chính sách tiền tệ...

Trong bối cảnh dịch bệnh có thể kéo dài, động lực phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội năm 2022 được hội tụ từ việc kích thích cả tổng cung và tổng cầu; cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn cả về thể chế hành chính, về tín dụng và về tài chính cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; đẩy mạnh đa dạng hóa xuất khẩu, đáp ứng và khai thác các cơ hội mới từ các FTA quan trọng; khuyến khích các mô hình kinh tế mới và mở rộng không gian kinh tế trong nước cũng như tham gia sâu hơn vào cấu trúc đầu tư, trật tự thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu; thúc đẩy phát triển liên kết vùng, khu kinh tế và phát triển đô thị, kinh tế đô thị, đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt các quy hoạch; nâng cao năng lực hệ thống y tế, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng để phục hồi và phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới.

Động lực và triển vọng phục hồi kinh tế Việt Nam cũng phụ thuộc rất lớn vào khả năng kiểm soát “nhập khẩu” lạm phát từ thế giới, khả năng kiềm chế đà tăng giá xăng, dầu qua việc chủ động giảm thuế, rồi việc giữ lãi suất cơ bản, lãi cho vay tín dụng...

Về tổng thể, kết quả và triển vọng phục hồi kinh tế cả cấp vĩ mô và vi mô, trước mắt và lâu dài tùy thuộc vào sự chủ động dự báo, giữ vững lòng tin, hài hòa lợi ích, tránh cực đoan và cứng nhắc cả trong nhận thức và trong hành động. Cần bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất, phối hợp hài hòa cả bàn tay nhà nước và bàn tay thị trường, coi trọng tính đồng bộ và chú ý đến tính hai mặt của các giải pháp chính sách. Sự hỗ trợ toàn diện, thích hợp, kịp thời, hiệu quả cho người dân và doanh nghiệp từ tất cả các cấp, ngành, đơn vị chức năng trong hệ thống chính trị là rất cần thiết.

TS NGUYỄN MINH PHONG

Tags: qdnd
Lượt xem: 1.693
Nguồn:qdnd.vn Sao chép liên kết