Thích ứng với tình hình mới: Thay đổi cách chống dịch

 Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là thời điểm sau Tết, số ca mắc Covid-19 tại Hà Nội ngày càng tăng.

Số ca nhiễm tăng cao nhưng tỷ lệ tử vong thấp

Sở Y tế Hà Nội cho biết, tính từ 18 giờ ngày 13/2 đến 18 giờ ngày 14/2, trên địa bàn TP ghi nhận 3.507 ca Covid-19 (tăng 567 ca so với ngày trước đó); trong đó có 557 ca cộng đồng và 2.950 ca đã cách ly. Đây là số ca mắc lớn nhất ghi nhận trong một ngày kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện tại Hà Nội. Cũng theo Sở Y tế Hà Nội, số bệnh nhân đang điều trị tại 95.916 ca. Trong đó, Bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt đới T.Ư (163 ca), BV Đại học Y (175), BV của
Hà Nội (3.273), cơ sở thu dung TP (100), cơ sở thu dung quận huyện (661), theo dõi, điều trị tại nhà (91.544)…

Tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân trên địa bàn quận Cầu Giấy. Ảnh: Hoàng Quân

Tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân trên địa bàn quận Cầu Giấy. Ảnh: Hoàng Quân

Tính từ 18 giờ ngày 14/2 đến 18 giờ ngày 15/2 Hà Nội ghi nhận 3.972 ca bệnh (798 ca cộng đồng; 3.174 ca đã cách ly). Dù số mắc cao kỷ lục nhưng do tỷ lệ bao phủ vaccine cao và có sự liên thông chặt chẽ trong tháp điều trị 3 tầng nên Hà Nội đã kiểm soát được các bệnh nhân từ nặng đến nhẹ. Điều này giúp tỷ lệ tử vong do Covid-19 của Hà Nội thấp là 0,57%. Các chuyên gia nhận định, số ca mắc sẽ còn tiếp tục tăng cao trong thời gian tới khi Hà Nội cũng như cả nước mở cửa trở lại các di tích, dịch vụ, trường học… và đối mặt với sự xuất hiện của chủng Omicron. Tuy nhiên, với tỷ lệ tiêm chủng cao và sự chuẩn bị sẵn sàng về cơ sở vật chất, con người thì dịch vẫn nằm trong sự kiểm soát của hệ thống y tế.

TS Nguyễn Văn Thường – Giám đốc BV Đa khoa Đức Giang cho hay: “Hiện chúng tôi có một số máy hội chẩn thường trực 24/7 dành riêng cho tất cả các Trung tâm y tế cũng như các BV được phân công chỉ đạo tuyến. Những trường hợp nặng ở tuyến dưới sẽ được chuyển lên tuyến trên. Ngược lại, tất cả bệnh nhân ở tầng 3 sau khi điều trị ổn định, chúng tôi sẽ chuyển trở lại tuyến dưới”.

Liên quan tới vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng - Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội phân tích, việc tăng hay giảm vài trăm ca Covid-19 mỗi ngày không thể hiện rõ tình hình dịch. Điều quan trọng cần quan tâm hơn đó là các trường hợp bệnh nặng, bệnh nền để phân tầng điều trị. Có nhiều trường hợp F0 nhưng ở thể nhẹ chỉ qua một vài ngày là khỏi. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp có bệnh nền, triệu chứng nặng hay người già thì cũng cần có sự phân loại để chuyển tầng trong điều trị, tránh những trường hợp xấu xảy ra.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, Bộ Y tế, số ca mắc những ngày qua của Hà Nội đang được thống kê không phải con số thực tế. Bởi hiện có những trường hợp không khai báo y tế, tự điều trị cách ly tại nhà. Có trường hợp không triệu chứng, không xét nghiệm nên không biết được mình bị mắc Covid-19.

“Do đó, người dân cần phải khai báo y tế ngay khi xét nghiệm dương tính để được tư vấn, giám sát. Hơn nữa, trong trường hợp F0 chuyển nặng, sẽ được nhân viên y tế can thiệp kịp thời.

Đặc biệt, người dân không nên chủ quan, thực hiện nghiêm túc thông điệp 5K. Ngoài ra, Hà Nội nên đẩy nhanh hơn nữa tốc độ tiêm chủng vaccine nhằm bảo vệ cho người dân, đặc biệt ở nhóm người trên 50 tuổi, người thuộc nhóm nguy cơ mắc Covid-19 nhằm giảm tỷ lệ chuyển nặng, tỷ lệ tử vong” - PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo.

Tiếp tục rà soát tiêm vaccine cho người có nguy cơ cao

Theo đánh giá của Sở Y tế Hà Nội, công tác phòng, chống dịch vẫn đang được tổ chức quyết liệt, tỷ lệ bệnh nhân nặng và tỷ lệ tử vong vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Theo Sở Y tế, sau kỳ nghỉ Tết, TP sẽ ghi nhận số mắc tăng cao.

Bên cạnh đó, khi Hà Nội mở cửa lại một số dịch vụ, ngành nghề và trường học thì số ca mắc tăng cao so với trước, thậm chí cao hơn nữa nếu người dân không tuân thủ tuyệt đối, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt 5K. Do đó, TP tiếp tục theo dõi sát, áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp để bảo đảm việc phục hồi, phát triển kinh tế nhưng vẫn bảo đảm an ninh y tế.

Để hạn chế số ca mắc trong thời gian tới, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà đề nghị, các quận, huyện, thị xã tiếp tục tuyên truyền để nâng cao ý thức phòng dịch, người dân nên hạn chế tập trung nơi đông người, nhất là thời gian sau Tết. Đối với các quận, huyện, thị xã có tỷ lệ F0 cao, cần xây dựng kế hoạch kịp thời để tránh tình trạng quá tải ở các tuyến điều trị. Đồng thời tăng cường giám sát, mở rộng xét nghiệm tầm soát đối với các đối tượng nguy cơ cao. Ngoài ra, đẩy mạnh tiêm chủng đối với các đối tượng chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều; triển khai chăm sóc hiệu quả F0 điều trị tại nhà…

Hiện tỷ lệ bao phủ vaccine đủ 2 mũi của Hà Nội với người trên 12 tuổi đã đạt trên 99,5% và đã tiêm bao phủ mũi nhắc lại (mũi 3) đạt gần 55%. Qua theo dõi tình hình điều trị trên địa bàn TP cho thấy, người bệnh Covid-19 phần lớn là các trường hợp nhẹ và không triệu chứng, các trường hợp tử vong chủ yếu là người cao tuổi có bệnh lý nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư giai đoạn cuối, bệnh lý tim mạch, người già… thuộc nhóm nguy cơ và chưa tiêm vaccine phòng Covid-19.

Để đẩy nhanh hơn nữa tốc độ tiêm chủng vaccine nhằm bảo vệ cho người dân, đặc biệt ở nhóm người trên 50 tuổi, người thuộc nhóm nguy cơ mắc Covid-19 nhằm giảm tỷ lệ chuyển nặng, tỷ lệ tử vong, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh yêu cầu các địa phương khẩn trương chỉ đạo các lực lượng tiếp tục rà soát, tuyên truyền, vận động và tổ chức tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người, hộ gia đình có người thuộc nhóm nguy cơ. Các trường hợp trong độ tuổi nhưng chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chưa đủ liều, người từ chối tiêm trên địa bàn.

“Các địa phương tiếp tục rà soát kỹ người trên 50 tuổi, người có bệnh lý nền, người có nguy cơ cao không thể đến các điểm tiêm chủng để tổ chức tiêm tại nhà bảo đảm không bỏ sót người thuộc nhóm nguy cơ” - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh nhấn mạnh.

Các đơn vị đẩy nhanh tiến độ tiêm mũi bổ sung, tiêm nhắc lại vaccine phòng Covid-19 cho người thuộc nhóm nguy cơ, người sống chung, người cùng gia đình thuộc nhóm nguy cơ đã tiêm đủ liều cơ bản. Các đơn vị thực hiện nghiêm chiến dịch cao điểm tiêm chủng mùa Xuân từ ngày 29/1 đến ngày 28/2 theo Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm triển khai “thần tốc” và “thần tốc hơn nữa” việc tổ chức tiêm mũi bổ sung, mũi nhắc lại theo hướng dẫn của ngành y tế. Phấn đấu hoàn thành việc tiêm phủ mũi bổ sung, mũi nhắc lại trong quý I/2022.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh

Theo Bộ Y tế, hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường. Ngoài ra, nơi thực hiện hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường thường là nơi có không gian kín nên dễ xảy ra lây nhiễm Covid-19. Do vậy, khi hoạt động trở lại cần tăng cường các biện pháp vệ sinh, phòng chống lây nhiễm tại khu vực cung cấp dịch vụ karaoke, vũ trường (khử khuẩn, thông khí…). Bộ Y tế lưu ý, với người tham dự cần thực hiện nghiêm 5K, tiêm phòng vaccine đủ liều, không cung cấp dịch vụ cho người đang có các triệu chứng mắc Covid-19 (ho, sốt…).

Lượt xem: 232
Tác giả: admin1
Nguồn:kinhtedothi.vn Sao chép liên kết