Cải tạo chung cư cũ ở Hà Nội - nhiệm vụ cấp bách

Trước khi bão số 3 đổ bộ, Hà Nội đã phải khẩn cấp di dời nhiều hộ dân tại các khu tập thể (KTT) cũ để bảo đảm an toàn. Đây đều là những chung cư cũ đã xuống cấp trầm trọng, thuộc diện phải cải tạo, xây dựng lại. Bởi vậy, người dân nơi đây đều mong chờ những đột phá của chính quyền các cấp nhằm đẩy nhanh tiến độ cải tạo chung cư cũ trên địa bàn.

Để bảo đảm an toàn trước khi bão số 3 đổ bộ vào Hà Nội, chính quyền địa phương đã vận động, tổ chức cho 14 hộ dân ở KTT P16A phố Thụy Khuê, quận Tây Hồ sơ tán đến nơi an toàn. KTT này trước vốn chỉ có một tầng, trong quá trình sử dụng, các hộ dân đã cơi nới, lên thêm tầng.

Trải qua hơn nửa thế kỷ tồn tại, KTT P16A đã xuống cấp trầm trọng, được xếp vào mức nguy hiểm cấp độ D. Người dân sinh sống ở đây cho biết, cảm giác rất bất an mỗi khi có mưa bão. Vì thế, người dân trong KTT đều đồng tình với chủ trương của TP Hà Nội về cải tạo lại chung cư cũ; đồng thời bày tỏ mong muốn khi cải tạo chung cư cũ cần bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, chủ đầu tư và người dân.

Khu tập thể P16A phố Thụy Khuê, quận Tây Hồ đã xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: THU HƯỜNG

Nhìn rộng ra toàn thành phố, để đối phó với bão số 3, nhiều hộ dân tại các quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Hoàng Mai... cũng phải khẩn trương di dời nhằm bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản. Điều này cho thấy, nhiệm vụ cải tạo chung cư cũ trên địa bàn TP Hà Nội đến thời điểm này là vô cùng cấp bách, đòi hỏi sự quyết liệt của chính quyền thành phố. 

Với mục tiêu sẽ xóa dần các khu chung cư cũ, từ lâu, Hà Nội đã đặt ra nhiệm vụ cải tạo chung cư cũ với các đề án, kế hoạch, tiến độ thực hiện cụ thể. Chủ trương thì rất nhiều, nhưng tới nay, số lượng chung cư cũ trên địa bàn thành phố được cải tạo vẫn là con số rất khiêm tốn. Theo kết quả rà soát năm 2020, trên địa bàn Hà Nội có khoảng 1.579 chung cư cũ, được xây dựng từ thập niên 1960 đến năm 1992, tập trung tại khu vực 4 quận nội thành (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng). Tính đến hết năm 2023, TP Hà Nội mới hoàn thành cải tạo, xây dựng lại được 19 KTT, nhà chung cư cũ, bằng 1,14% tổng khối lượng công việc. 

Nhìn nhận về tiến độ cải tạo chung cư, KTT cũ trên địa bàn TP Hà Nội thời gian tới, nhiều ý kiến cho rằng, Luật Thủ đô năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023 và Nghị định số 98/2024/NĐ-CP ngày 25-7-2024 quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ được đánh giá sẽ tạo đột phá trong cải tạo chung cư cũ.

Theo đó, Luật Nhà ở năm 2023 đã dành chương 5 quy định về vấn đề cải tạo, xây dựng lại chung cư. Trong đó, luật cũng bổ sung một loạt cơ chế ưu đãi dành cho chủ đầu tư dự án cải tạo chung cư cũ được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, kinh doanh diện tích nhà ở còn lại sau khi bố trí tái định cư, kinh doanh dịch vụ thương mại trong phạm vi dự án, vay vốn ưu đãi; được địa phương hỗ trợ ngân sách để xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội dự án và hưởng ưu đãi về thuế...

Những cơ chế nêu trên đang tạo sức hút lớn với không ít doanh nghiệp. Riêng về hệ số K (hệ số khung bồi thường) từ trước đến nay vốn là một trong những vướng mắc với quá trình triển khai đề án cải tạo chung cư cũ, Nghị định số 98/2024/NĐ-CP đã có những quy định cụ thể hơn. Cụ thể, chủ căn hộ tầng 1 được bồi thường từ 1 đến 2 lần diện tích căn hộ bị phá dỡ; các căn hộ tầng 2 trở lên được bồi thường từ 1 đến 1,5 lần diện tích căn hộ bị phá dỡ...

Sau bão số 3, Bộ Xây dựng có văn bản yêu cầu các địa phương đẩy nhanh tiến độ cải tạo chung cư cũ. Đối với TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có nhiều nhà chung cư cũ thuộc diện phải cải tạo, xây dựng lại, Bộ Xây dựng đề nghị căn cứ quy định của Luật Nhà ở năm 2023 để khẩn trương hoàn thành các thủ tục cho các chủ đầu tư sớm triển khai, bảo đảm quyền lợi của chủ sở hữu nhà chung cư và chủ đầu tư dự án. Với nhiều quy định mới vừa được ban hành, hy vọng việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn TP Hà Nội sẽ được triển khai đồng bộ, hiệu quả hơn.

MINH ĐỨC

Tin liên quan
Nội dung đang được cập nhật.