Người dân làng vạn chài đón cái Tết đầu tiên "lên bờ"
Tết đến Xuân về, người dân một số làng vạn chài trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá vừa được cấp đất, xây nhà lên bờ đón chào năm mới. Đây là cái Tết đầu tiên của nhiều hộ dân làng vạn chài tại xã Thiệu Vũ, huyện Thiệu Hoá và phường Nam Ngạn, TP Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hoá ăn Tết trên bờ với những ngôi nhà khang trang và ấm cúng .
Những ngày Tết Giáp Thìn đang cận kề, chúng tôi có dịp về thăm các làng vạn chài, được tiếp xúc với người dân nơi đây mới hiểu hết được tâm lý và mơ ước của người dân “lên bờ” là bước ngoặt cuộc đời đối với họ.
Tết an cư là giấc mơ bao đời của những người dân làng vạn chài cả nước nói chung và tỉnh Thanh Hoá nói riêng. Những tưởng giấc mơ ấy không trở thành hiện thực nhưng nhờ chính sách nhân văn, quyết liệt của lãnh đạo tỉnh mà những người vạn chài nghèo có mộ cái Tết tươm tất trong ngôi nhà mơ ước của mình.
Bí thư Tỉnh uỷ Thanh Hoá Đỗ Trọng Hưng dự lễ bàn giao, khánh thành nhà ở cho đồng bào sinh sống trên sông tại phường Nam Ngạn, TP Thanh Hoá. Ảnh: Hương Trà |
Qua đợt rà soát, TP Thanh Hóa có 66 hộ thuộc diện xem xét cấp đất và hỗ trợ ổn định đời sống, trong đó: 31 hộ đã có nhà ở, đất ở đề nghị giải bản thuyền (9 hộ không có hộ khẩu thành phố; 22 hộ có hộ khẩu thành phố); 35 hộ chưa có đất ở, nhà ở (đề nghị xem xét cấp đất ở cho 32 hộ; hỗ trợ ổn định đời sống 3 hộ). TP Thanh Hóa đã thực hiện bố trí quỹ đất tái định cư, giao đất ở và hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở cho các hộ đồng bào sinh sống trên sông.
Ngoài việc giao đất, TP Thanh Hóa còn hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở cho các hộ 100 triệu đồng/hộ (từ nguồn Quỹ Vì người nghèo thành phố và từ nguồn kinh phí của Tổ chức Caritas Thanh Hóa).
Bên cạnh đó, TP Thanh Hóa đã quan tâm đến việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, tổ chức vận động người dân sinh sống trên sông chuyển đổi nghề, giới thiệu việc làm phù hợp, tạo sinh kế lâu dài để đồng bào sinh sống trên sông phát triển kinh tế, góp phần xây dựng thành phố giàu đẹp, văn minh.
Chị Nguyễn Thị Thuỷ, năm nay 48 tuổi là người xóm chài cầu Hạc thuộc địa phận phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa. Gia đình chị vừa được Nhà nước cấp đất và cho 100 triệu đồng để làm nhà trên bờ tại phường Nam Ngạn, TP Thanh Hoá. Bản thân chị không được đi học, không biết chữ nên rất thiệt thòi. Giờ đây ngôi nhà được xây dựng ngay khu trung tâm, gần trường học, con cháu chị đã được đến trường. “Đây là cái Tết đầu tiên gia đình tôi tự tay làm nồi bánh chưng. Tết Giáp Thìn 2024 là cái Tết vui nhất trong gia đình tôi và những người xóm chài cầu Hạc”, chị Thủy chia sẻ.
Người dân vạn chài lần đầu tiên được đón Tết trong những ngôi nhà khang trang tại phường Nam Ngạn, TP Thanh Hoá. Ảnh: Hương Trà |
Theo chân cán bộ xã, chúng tôi đến thăm gia đình ông Nguyễn Văn Mười, 67 tuổi, ở thôn Lam Đạt, xã Thiệu Vũ, huyện Thiệu Hoá. Vợ chồng ông bà Mười đang ngồi đan những vật dụng bằng mây tre để nhập cho công ty gần nhà.
Ông Mười tâm sự: “Giấc mơ của rất nhiều thế hệ làng chài chúng tôi là được sinh sống trên bờ và nay giấc mơ ấy đã trở thành hiện thực. Tôi biết ơn Đảng, biết ơn Nhà nước lắm. Hôm khánh thành nhà mới, Bí thư Tỉnh uỷ cũng về dự với xóm chài, chúng tôi vui lắm”.
Ngôi nhà khang trang của gia đình ông Mười trên diện tích 100m2 nằm ở thôn Lam Đạt ngay trung tâm xã Thiệu Vũ đã được bàn giao cuối tháng 8/2023. Nhìn căn nhà gia đình ông bà đồ đạc còn đơn sơ nhưng chúng tôi cảm nhận rất rõ sự ấm cúng, hạnh phúc. Họ đang sửa soạn cho một cái Tết đầy đủ nhất từ trước đến nay.
Gia đình ông Nguyễn Văn Mười vui mừng được nhận và sống căn nhà mới - cuộc sống an cư tại xã Thiệu Vũ, huyện Thiệu Hoá, tỉnh Thanh Hoá. Ảnh: Hương Trà |
Dự án Khu tái định cư cho đồng bào sinh sống trên sông tại thôn Lam Đạt, xã Thiệu Vũ, huyện Thiệu Hoá với hạ tầng kỹ thuật đồng bộ. Chỉ sau hơn 3 tháng có 28/28 hộ đã xây dựng xong nhà ở và các công trình phụ trợ, rời thuyền chuyển về sinh sống tại khu tái định cư trong niềm phấn khởi. Sau khi được bàn giao nhà, chính quyền đã hỗ trợ các hộ dân cho con em học tập; tìm kiếm và hỗ trợ đào tạo, dạy nghề, đấu mối với các doanh nghiệp, nhà máy trên địa bàn giải quyết việc làm phù hợp với độ tuổi; rà soát diện tích đất nông nghiệp, đất thầu ngân sách xã, đất của các hộ nông dân không có nhu cầu sử dụng, ưu tiên giao cho các hộ có nhu cầu sản xuất nông nghiệp, ổn định cuộc sống.