Phương Tây loay hoay giải bài toán giới hạn giá đối với dầu của Nga
Moscow cho rằng bất kỳ giới hạn giá nào đưa ra sẽ khiến thị trường dầu toàn cầu bị thắt chặt, giá dầu tăng cao tác động đến chính túi tiền của người dân châu Âu.
Tại Hội nghị thượng đỉnh nhóm 7 quốc gia có nền kinh tế công nghiệp phát triển lớn nhất thế giới (G7) diễn ra ở Đức gần đây, các lãnh đạo của nhóm cho biết đang cân nhắc tính khả thi của biện pháp áp đặt giới hạn giá đối với dầu từ Nga. Nhóm G7, bao gồm hầu hết các quốc gia chỉ trích Nga gay gắt nhất như Mỹ, Đức và Anh, muốn ngăn Moscow thu lợi từ giá dầu tăng cao do tác động của cuộc xung đột tại Ukraine.
Giới hạn giá là gì?
Giới hạn giá hoạt động thông qua một hệ thống để ngăn bảo hiểm hoặc tài trợ cho các lô hàng xuất khẩu dầu của Nga vượt quá một mức nhất định. Hiểu theo cách đơn giản hơn, nếu một tàu đồng ý vận chuyển lô hàng dầu của Nga với giá cao hơn mức quy định của G7 cho mỗi thùng, tàu đó sẽ không được nhận các dịch vụ bảo hiểm và tài chính cần thiết để giao dịch đó thành công.
Chuyên gia kinh tế Benedict McAleenan tại Tổ chức tư vấn Policy Exchange (London, Anh) cho biết: “Về cơ bản, điều này sẽ cản trở các tổ chức tài chính đặc biệt là các công ty bảo hiểm tàu biển vận chuyển dầu của Nga nếu giá dầu không nằm dưới mức thỏa thuận".
Tính khả thi của biện pháp
Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhận định ý tưởng về biện pháp áp đặt giới hạn giá đối với dầu của Nga là rất tham vọng, cần “làm việc nhiều” trước khi nó có thể trở thành hiện thực.
Để biện pháp này của G7 thực sự mang lại hiệu quả như mong muốn thì đòi hỏi cần có sự tham gia của cả các nước không phải thành viên trong nhóm, đặc biệt là những nước tiêu thụ dầu thô của Nga ở mức lớn như Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ, theo hãng tin Al Jazeera.
Ông Timothy Ash, chuyên gia kinh tế tại tổ chức tư vấn Chatham House (London, Anh), nêu quan điển: “Đây sẽ là thách thức, biện pháp giới hạn giá có thể thực thi tại các nước phương Tây nhưng trên phạm vị quốc tế đòi hỏi sự tham gia của các nước khác như Ấn Độ và Trung Quốc”.
Ông Timothy Ash chỉ ra rằng biện pháp như vậy có thể gây ra tác động không mong muốn đối với thị trường toàn cầu, “Vì phương Tây tiêu thụ dầu lượng lớn, nó sẽ có một số điều đáng nói về mặt giá cả”. Ông lưu ý về nền kinh tế thế giới có thể giảm tốc do tác động của cuộc xung đột tại Ukraine, khiến nhu cầu giảm xuống.
Chuyên gia kinh tế McAleenan tại Tổ chức tư vấn Policy Exchangen nhận định: “Các biện pháp trừng phạt dầu mỏ của Iran trước đây đã hoạt động khá tốt, hạn chế nền kinh tế Iran trong khi vẫn cho phép xuất khẩu dầu”. Nhưng ông McAleenan cho biết để kế hoạch này thành công cần có một liên minh khách hàng, “Thực sự sẽ cần một “monopsony”- một khách hàng hoặc một hệ thống độc quyền mua để có thể quyết định giá cả trên thị trường”.
Ông McAleenan cảnh báo: “Độc quyền mua tồn tại ở nhiều thị trường như hệ thống y tế được quốc hữu hóa và nó rất hiệu quả trong việc hạ giá. Nhưng nó dẫn tới hậu quả không lường trước được như thúc đẩy thị trường chợ đen, tạo ra các lỗ hổng hay khiến thị trường kém hiệu quả”. Ông McAleenan nói thêm rằng rủi ro hệ thống giới hạn giá đột ngột sụp đổ có thể gây “cú sốc về giá toàn cầu”.
Phản ứng của Nga
Về phần mình, Moscow cho rằng bất kỳ kế hoạch giới hạn giá nào được đưa ra có thể khiến thị trường dầu mỏ toàn cầu bị thắt chặt, giá dầu tăng cao sẽ tác động đến chính túi tiền của người tiêu dùng tại châu Âu.
Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak đã phát biểu trên truyền hình vào tuần trước: “Đây là một nỗ lực khác nhằm can thiệp vào cơ chế thị trường, điều này có thể khiến thị trường mất cân bằng”.
Giáo sư Natasha Lindstaedt về quan hệ quốc tế tại Đại học Essex nhận định Nga có thể ngừng xuất khẩu sang phương Tây nếu G7 cố gắng thực hiện giới hạn giá hoặc hạn chế nguồn cung. Ông nói: “Moscow biết rằng họ có nguồn thu lớn từ việc bán năng lượng cho Trung Quốc, Ấn Độ và các nơi khác. Tổng thống Putin tự tin có thể tồn tại và giảm xuất khẩu sản phẩm của mình sang châu Âu”.
Ông Claudio Galimberti, Phó Chủ tịch Công ty năng lượng Rystad Energy tại Na Uy, cũng đánh giá: "Có rất nhiều trở ngại đối với kế hoạch như vậy (giới hạn giá)”. Ông Galimberti cho rằng một trong những ví dụ rõ nhất là Nga có thể ngừng bán nếu giá giới hạn theo quy định ở mức quá thấp và gần bằng chi phí sản xuất.
Phạm Hà Thanh (theo CNBC, Al Jazeera)