Chậm cấp phép mỏ vật liệu cho cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2

Dù đã khởi công hơn 4 tháng và đang tập trung thi công nền đường, nhưng thủ tục cấp phép mỏ vật liệu cho 12 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 còn rất chậm, ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công của dự án.

Chậm cấp phép mỏ vật liệu cản trở tiến độ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2.

Triển khai còn chưa đồng nhất

Bộ GTVT vừa có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) về khó khăn, vướng mắc trong công tác khai thác vật liệu cho các dự án đường bộ cao tốc.

Theo Bộ GTVT, dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 có tổng nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng thông thường (VLXDTT) rất lớn.

Trong đó, tổng nhu cầu vật liệu của 10 dự án thành phần đoạn từ tỉnh Hà Tĩnh đến tỉnh Khánh Hòa khoảng 17,37 triệu mét khối đá, khoảng 9,04 triệu mét khối cát, khoảng 45,56 triệu mét khối đất đắp.

Riêng khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long có tổng nhu cầu cát đắp của 2 dự án thành phần đoạn từ TP Cần Thơ đến tỉnh Cà Mau khoảng 18,07 triệu mét khối.

Thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, Bộ GTVT đã chỉ đạo các chủ đầu tư, tư vấn thiết kế tổ chức lập hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án.

Bộ GTVT nêu rõ: "Hiện nay, các dự án thành phần đang triển khai thi công đồng loạt nhưng công tác thi công nền đường hầu như chưa được triển khai do các nhà thầu chưa được giao mỏ vật liệu vì vướng mắc thủ tục liên quan đến khai thác mỏ khoáng sản làm VLXDTT nằm trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án chưa được các địa phương thực hiện".

Dự án đã được Quốc hội, Chính phủ cho áp dụng cơ chế đặc thù về khai thác mỏ khoáng sản làm VLXDTT, Bộ TN&MT đã có hướng dẫn các địa phương thực hiện. Nhưng do trước đây, các địa phương thực hiện thủ tục cấp phép khai thác khoáng sản làm VLXDTT theo đúng trình tự, thủ tục quy định của Luật khoáng sản và đây là lần đầu tiên địa phương triển khai theo cơ chế đặc thù.

Dù đã được Bộ TN&MT hướng dẫn nhưng cách hiểu, cách triển khai các thủ tục còn khác nhau, chưa có sự thống nhất giữa các địa phương, gây khó khăn trong công tác triển khai thực hiện.

Các sở, ban ngành, địa phương chưa thực sự vào cuộc và cũng không có chế tài xử lý đối với trường hợp chủ đất không hợp tác.

Các sở, ban ngành, địa phương chưa thực sự vào cuộc và cũng không có chế tài xử lý đối với trường hợp chủ đất không hợp tác.

Đề nghị Bộ TN&MT hướng dẫn chi tiết trình tự, thủ tục

Để có cát, đất đắp nền, ban quản lý dự án, nhà thầu đã làm việc với địa phương thực hiện thủ tục khai thác mỏ; làm việc với chủ sở hữu đất khu vực mỏ để thỏa thuận giá đền bù giải phóng mặt bằng. Các nhà thầu đã trình địa phương hồ sơ 48 trong tổng số 82 mỏ đất cần được cấp phép; trình 25 trong 31 hồ sơ mỏ cát. Các mỏ còn lại chưa đủ thủ tục.

Tuy nhiên, theo Cục Quản lý đầu tư và Xây dựng (Bộ GTVT), đến ngày 9/5, các địa phương mới cấp được 2 mỏ đất cho nhà thầu khai thác gồm: Tỉnh Bình Định cấp cho nhà thầu Sơn Hải đoạn Hoài Nhơn - Quy Nhơn; tỉnh Khánh Hòa cấp cho nhà thầu Lizen, đoạn Vân Phong - Nha Trang. Còn hàng chục mỏ đất khác chưa được chấp thuận khai thác.

Đại diện Cục Quản lý đầu tư và Xây dựng giải thích các địa phương chưa giải quyết thủ tục giao mỏ cho nhà thầu do vướng mắc trong xác định giá bồi thường, thuê đất để khai thác mỏ. Địa phương cho rằng cần đánh giá tác động môi trường đối với mỏ cát do lo ngại sạt lở bờ sông. Một số tỉnh đề nghị nhà thầu khảo sát, thăm dò trước khi lập và trình hồ sơ đăng ký khối lượng khai thác mỏ.

Thi công cao tốc Bắc Nam đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, ông Nguyễn Tấn Đông - Phó Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả phân tích, địa phương không giải phóng mặt bằng các mỏ mà giao cho nhà thầu thỏa thuận với dân. Người dân yêu cầu giá đền bù cao gấp 2-3 quy định của nhà nước, trong khi hợp đồng nêu rõ mức đền bù bằng đơn giá của nhà nước. 

Ngoài ra, theo hình thức này, giá chuyển nhượng sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào việc thỏa thuận của người đang sử dụng đất với nhà thầu, việc chuyển nhượng hoàn toàn theo cơ chế thị trường, do đó Nhà nước không thể kiểm soát được chi phí dẫn đến nguy cơ tăng giá, ép giá hoặc thỏa thuận không thành công sẽ không có mỏ để khai thác VLXD dẫn đến thiếu vật liệu.

Vì vậy, tại Công điện số 194 ngày 1/4/2023, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã có trách nhiệm cùng với chủ đầu tư, nhà thầu thỏa thuận với các chủ sở hữu về giá đền bù, hỗ trợ, thuê đất, bồi thường cây cối, hoa màu,… đảm bảo phù hợp với mặt bằng giá bồi thường của Nhà nước quy định.

"Tuy nhiên, các sở, ban ngành, địa phương chưa thực sự vào cuộc và cũng không có chế tài xử lý đối với các trường hợp chủ đất không hợp tác", Bộ GTVT cho hay.

Theo Nghị quyết của Quốc hội, dự án được áp dụng cơ chế đặc thù trong năm 2022 và 2023, nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm VLXDTT phục vụ dự án.

Hiện nay, dự án đã khởi công được hơn 4 tháng, các nhà thầu đang tập trung thi công nền đường. Tuy nhiên, thủ tục cấp phép mỏ còn rất chậm, ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công của dự án.

Từ thực tế, Bộ GTVT đề nghị Bộ TN&MT hướng dẫn chi tiết trình tự, thủ tục khai thác khoảng sản làm VLXDTT phục vụ dự án đối với mỏ đất riêng, mỏ cát riêng. Các bước phải thực hiện từ thành phần hồ sơ, tiếp nhận hồ sơ, thẩm định hồ sơ, xác nhận đăng ký khối lượng khai thác,… nhằm đảm bảo tất cả địa phương đều thực hiện thống nhất.

Cùng với đó, Bộ TN&MT hướng dẫn chi tiết trình tự, thủ tục để thực hiện các thủ tục về đất đai (GPMB, nhượng quyền sử dụng đất; giá chuyển nhượng) đảm bảo phù hợp với với mặt bằng giá bồi thường của Nhà nước quy định; chế tài với trường hợp chủ sở hữu không phối hợp thực hiện. 

Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 (2022-2025) được chia làm 12 dự án thành phần vận hành độc lập, gồm các đoạn: Hà Tĩnh - Quảng Trị (267 km), Quảng Ngãi - Nha Trang (353 km) và Cần Thơ - Cà Mau (109 km), đi qua 12 tỉnh thành phố. Dự án được đầu tư quy mô 4 làn xe, tốc độ thiết kế 100-120 km/h. Tuyến cao tốc dự kiến hoàn thành cơ bản năm 2025 và khai thác 2026, giúp nối liền toàn trục cao tốc Bắc Nam từ Lạng Sơn đến Cà Mau.

Lượt xem: 3
Nguồn:kinhtedothi.vn Sao chép liên kết