Bài học kỹ năng giải quyết tình huống sư phạm cần được thày cô rèn luyện mỗi ngày

Với 38 năm gắn bó trong ngành giáo dục, thầy Nguyễn Văn Lực - nguyên giáo viên Trường THCS Trịnh Phong (tỉnh Khánh Hòa) - đã có những chia sẻ về vấn đề bạo lực học đường hiện nay.

Mới đây, ngày 13.5.2024, giáo viên Trường THPT Nguyễn Thị Diệu (TPHCM) cho 6 học sinh lớp 12A1, đánh một bạn cùng lớp chỉ vì em này đi học trễ.

Vụ việc gióng lên hồi chuông báo động về vấn đề bạo lực trong nhà trường và đó cũng là phương pháp phản giáo dục, thể hiện sự bất lực của thầy cô khi đối mặt với các tình huống sư phạm.

Trong quá trình giảng dạy, nhiều năm làm công tác chủ nhiệm lớp, tôi cũng đứng trước nhiều tình huống rất khó xử, gặp những học sinh vô lễ, "cứng đầu", liên tục vi phạm nội quy nhà trường như: Đi học trễ, nói tục, chửi thề, đánh nhau, vẽ viết bậy lên bàn ghế, tường... Thậm chí, có em còn gọi tên giáo viên để trêu chọc...

Tôi mãi còn nhớ năm 1994, khi chủ nhiệm lớp 9/4. Vào 1 buổi học, khi xếp hàng vào lớp để học tiết 3, học sinh tên Nguyễn Văn An (tên học sinh đã thay tên) đứng sau đùa giỡn đúng lúc tôi vừa đến. Không kiềm chế, lại lo sợ ảnh hưởng thành tích, tôi liền giáng cho em một cái tát vào đầu. Cú tát mạnh khiến An liên tục xoa đầu. Từ hôm ấy, An không còn đùa giỡn nữa nhưng tôi cảm nhận được em đã ghét thầy, hay lảng tránh tôi.

Bình tâm biết được việc làm của mình không đúng, nhiều đêm liền tôi day dứt, chỉ mong cuối tuần đến giờ sinh hoạt lớp để nói lời xin lỗi An. Dù đã nói lời xin lỗi, tôi không bao giờ lấy lại được cái tát đã dành cho em. Đó là điều tôi ân hận nhất trong đời đi dạy, tự hứa rằng không bao giờ có những cư xử thiếu chuẩn mực như vậy.

Quay lại câu chuyện bạo lực học đường. Khi thầy cô có những hành vi thiếu chuẩn mực, thì ngược lại, các em học sinh cũng chỉ biết "im lặng chịu đựng", không phản kháng. Phải chăng, giáo dục đã tạo ra những con người chỉ biết "cúi đầu" làm theo mà không có sự nhận biết đúng - sai, hay phản ứng lại điều sai trái mà cô giáo bắt (lệnh) các em thực hiện? Nói cách khác đó chính là sự thất bại trong giáo dục khi bạo lực học đường ngày càng gia tăng.

Đó cũng còn là thất bại trong việc giáo dục kỹ năng phản biện trong học sinh. Thầy cô chỉ dạy các em ghi nhớ máy móc thế nào là tôn trọng lẽ phải, tôn trọng người khác, hay thế nào là yêu thương con người... còn vận dụng vào thực tế cuộc sống còn rất yếu kém.

Trong nhà trường, việc học sinh vi phạm nội quy là chuyện thường xuyên xảy ra và chính vì thế trường học mới có nội quy. Điều quan trọng là thầy cô có biện pháp giáo dục như thế nào để mang tính nhân văn sư phạm và có hiệu quả chứ không phải dùng biện pháp bạo lực bởi đây là điều không thể chấp nhận được với bất kì lý do gì.

Dù trong hoàn cảnh nào, thầy cô chủ nhiệm nên bình tĩnh để giáo dục học sinh. Đừng vì lý do nào mà làm hoen ố hình ảnh nhà giáo trong mắt mọi người. Bài học kỹ năng giải quyết vấn đề tình huống sư phạm cần được mỗi thầy cô khắc ghi, rèn luyện mỗi ngày.