Cách bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh đảm bảo an toàn
Bạn cần học cách bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Những mẹo cần biết khi sử dụng tủ lạnh
- Sắp xếp thức ăn theo hạn sử dụng: Hãy đặt các loại thực phẩm gần hết hạn sử dụng hay những thức ăn đã được sử dụng bên ngoài nơi dễ nhìn thấy nhất trong tủ lạnh để bạn không bỏ quên chúng.
- Cho thức ăn vào hộp đậy kín: Việc cho thức ăn trong các hộp đậy kín trước khi bỏ vào tủ sẽ giúp cho thức ăn không bị ám mùi vào nhau. Hơn nữa, bạn còn có thể tiết kiệm được không gian bằng cách xếp chồng các hộp lên nhau, tủ lạnh sẽ trở nên gọn gàng và đẹp mắt hơn.
- Đánh dấu thức ăn bằng các nhãn dán: Hãy dán nhãn lên từng loại thức ăn, bạn có thể ghi tên và ngày chế biến hay ngày hết hạn sử dụng để công việc phân loại, sắp xếp và tìm chúng trở nên đơn giản hơn. Việc đánh dấu như vậy sẽ giúp bạn nhanh chóng tìm ra được loại thức ăn cần dùng mà không cần mở nắp hộp kiểm tra.
- Thường xuyên vệ sinh tủ: Bạn cần dọn dẹp, loại bỏ những thực phẩm hư hỏng trong tủ lạnh ít nhất một lần/tuần. Đồng thời, tổng vệ sinh tủ lạnh định kỳ một tháng một lần để ngăn chặn vi khuẩn, nấm mốc phát triển cũng như mùi hôi khó chịu, đảm bảo thực phẩm sẽ giữ lâu hơn, an toàn cho sức khỏe gia đình bạn.
Cách sử dụng hữu hiệu ngăn mát tủ lạnh:
- Ngăn trên cùng: Đây là nơi thích hợp để lưu trữ thức ăn đã chế biến, thức ăn thừa, đồ uống vì nhiệt độ ở đây đủ lạnh để giữ chúng được lâu mà vẫn thơm ngon. Vị trí ngăn trên cùng rất dễ quan sát nên bạn hãy để những thực phẩm cần sử dụng trước ở ngăn này.
- Những ngăn bên dưới: Bạn có thể cho trứng, sữa, hoặc các loại thịt, hải sản muốn dùng ngay mà không cần mất thời gian rã đông. Nhiệt độ ở ngăn này lạnh hơn ngăn trên cùng nên thích hợp để các thực phẩm dễ hỏng, nhưng bạn cũng phải nhớ bọc kỹ thịt, hải sản, … hoặc cho vào một hộp có nắp đậy kín để tránh rỉ nước và bám mùi vào những thực phẩm khác, làm bẩn tủ lạnh.
- Cánh cửa tủ: Chỉ nên lưu trữ những thực phẩm khô hoặc các loại gia vị, sốt do nơi đây được làm lạnh ít nhất trong tủ. Đối với các chai đồ uống to, thực phẩm có khối lượng lớn nên chất ở ngăn dưới cùng của cánh cửa tủ và không để sữa, cũng như các hộp sữa đang dùng dở vào vị trí này.
- Hộc tủ/ngăn kéo rau củ: Hộc tủ sẽ đảm bảo độ ẩm thích hợp cho các loại rau, củ, quả, giữ được độ tươi ngon, chất dinh dưỡng khi đặt chúng ở ngăn này. Nên phân loại rau, củ và trái cây thành từng phần riêng bởi vì các loại trái cây như táo, chuối, đu đủ, … có thể sinh ra khí ethylene gây hư hỏng các loại rau, củ. Lưu ý: Bạn phải làm vệ sinh thường xuyên vì hộc tủ là nơi bẩn nhất trong tủ lạnh.
Một số thực phẩm cần lưu ý khi bảo quản:
Rau xanh: Tuyệt đối không được rửa nước. Cho vào hộp có lót giấy, phủ thêm một lớp giấy trên mặt rau và đậy nắp kín, bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh. Hành lá: Hành lá rửa sạch để ráo nước. Một phần cắt nhỏ để vào ngăn đông dự trữ lâu (chiên trứng, nấu ăn). Một phần cắt khúc cho vào hộp có lót giấy, phủ một lớp giấy khác trên mặt hành và đậy nắp, bảo quản trong ngăn mát.
Trứng: Bạn nên bảo quản trứng ở ngăn mát tủ lạnh để có thể giữ được lâu hơn, đồng thời bạn đặt trứng ở những khay chuyên dụng giúp tránh giập hay vỡ. Khi xếp trứng vào khay, bạn nên đặt đầu to xuống dưới, đầu nhỏ ở trên để giữ lòng đỏ trứng cố định. Trứng có thể mang vi khuẩn đặc biệt là Salmonella. Khi được bảo quản trong tủ lạnh, hoạt động của vi khuẩn này sẽ bị ức chế.
Nấm: Bạn nên bảo quản nấm ở ngăn mát tủ lạnh vì nấm có thể bị mất hương vị và thay đổi màu sắc ở nhiệt độ phòng. Điều này không chỉ làm mất giá trị dinh dưỡng mà còn gây ảnh hưởng tới sức khỏe. Ngoài ra, một số loại nấm có thể được đóng gói sẵn trong các hộp nhựa và bọc ni lông ở ngoài. Trong trường hợp này, bạn chỉ cần cho túi nấm vào bảo quản trong tủ lạnh để tránh giập nát và không cần chuyển qua túi khác.
Cách sử dụng ngăn đông lạnh:
Thông thường các loại thực phẩm tươi sống như thịt, cá, hải sản, …. được bảo quản trong ngăn đông lạnh. Đây là ngăn có nhiệt độ thấp nhất trong tủ lạnh, bạn có thể lưu trữ thực phẩm trong vài tháng tùy vào từng loại. Sau khi mua thực phẩm từ chợ hay siêu thị, bạn nên chia thành từng phần, vừa đủ cho một lần dùng, cho vào túi gói kín hoặc để trong hộp đậy nắp kín.
Đối với các loại thịt, cá, tôm... còn tươi, chúng ta nên rửa sạch, để thật ráo nước và bảo quản ở ngăn đông. Lưu ý, bạn hãy chia nhỏ khẩu phần theo từng bữa ăn để vào các hộp riêng để tiện rã đông và chế biến. Nếu hộp lớn thì lót giấy nến nhằm ngăn cách các phần ăn ra để lấy cho dễ. Tránh trường hợp rã đông rồi ăn không hết lại cho vào tủ lạnh tiếp tục bảo quản thì không tốt. Những viên đá lạnh nên để riêng, không để gần các loại thực phẩm tươi sống, nếu không, sẽ khiến chúng bị nhiễm bẩn và có mùi hôi khó chịu.
10 lưu ý bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh
1. Phân loại thực phẩm để bảo quản (thịt, cá, rau củ, thức ăn đã chín...)
2. Đóng gói thực phẩm an toàn.
3. Đặt nhiệt độ phù hợp để bảo quản từng loại thực phẩm.
4. Sắp xếp thực phẩm một cách hợp lý
5. Đông lạnh thực phẩm.
6. Chú ý khi bảo quản những thực phẩm có mùi.
7. Không để quá nhiều đồ trong tủ lạnh.
8. Dùng tủ lạnh có những chức năng bảo quản phù hợp.
9. Không bảo quản đồ ăn quá lâu trong tủ lạnh.
10. Vệ sinh tủ lạnh thường xuyên.