Hành vi cản trở đồng đội thực hiện nhiệm vụ bị xử lý như thế nào?
* Bạn đọc Nguyễn Văn Sáu ở phường Nam Ngạn, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, hành vi cản trở đồng đội thực hiện nhiệm vụ nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị xử lý như thế nào?
Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 17 Thông tư số 143/2023/TT-BQP ngày 27-12-2023 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định xử lý kỷ luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Cụ thể như sau:
1. Gây khó khăn hoặc xúi giục nhằm cản trở đồng đội thực hiện nhiệm vụ thì bị kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo.
2. Nếu vi phạm một trong các trường hợp sau thì bị kỷ luật từ hạ bậc lương, giáng chức, cách chức đến giáng cấp bậc quân hàm:
a) Đã bị xử lý kỷ luật mà còn vi phạm;
b) Lôi kéo người khác tham gia;
c) Trong sẵn sàng chiến đấu;
d) Gây hậu quả nghiêm trọng.
* Bạn đọc Phạm Thanh Hà ở xã Vĩnh Hòa, thị trấn Tân Châu, tỉnh An Giang, hỏi: Pháp luật quy định như thế nào về tội quấy nhiễu nhân dân?
Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 415 Văn bản hợp nhất Bộ luật Hình sự năm 2017. Cụ thể như sau:
1. Người nào có hành vi quấy nhiễu nhân dân đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm:
a) Là chỉ huy hoặc sĩ quan;
b) Lôi kéo người khác phạm tội;
c) Trong khu vực có chiến sự;
d) Trong khu vực đã có lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp;
đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
QĐND