Ném đá lên tàu sẽ bị xử phạt như thế nào?

Ném đá lên tàu không chỉ gây nguy hiểm cho việc chạy tàu mà còn vi phạm quy định về trật tự công cộng, gây bức xúc cho người dân và ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn chạy tàu.

Ném đá lên tàu sẽ bị xử phạt như thế nào?

Cần xử lý nghiêm hành vi ném đá lên tàu. Ảnh: VNR

Theo đại diện Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, vào lúc 23h55 ngày 10.7.2024, khi tàu hàng H2705 tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai, khi qua địa phận xã Mậu Đông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái (Km 192+800, thuộc khu gian Mậu A - Mậu Đông), phụ lái tàu Nguyễn Văn Quân đã bị người từ dưới đường sắt ném đá trúng vào đầu, gây chấn thương nặng phải cấp cứu tại Bệnh viện Mậu A.

Theo ông Trần Cao Thắng - Trưởng ban An ninh an toàn, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, tình trạng ném đất đá lên tàu từ đầu năm 2024 đến nay tăng trở lại.

Các vụ việc chủ yếu xảy ra ở khu vực vắng vẻ hoặc vào ban đêm nên việc xác định thủ phạm rất khó. Thường khi tàu dừng lại và lực lượng chức năng có mặt thì người ném đá đã bỏ đi. Việc truy bắt đối tượng phải mất nhiều thời gian. Các vụ ném đá hầu hết đều làm vỡ kính của các đoàn tàu, gây ảnh hưởng đến an toàn chạy tàu và trật tự an toàn giao thông đường sắt.

Cũng theo ông Trần Cao Thắng, ngành đường sắt thường xuyên phối hợp với với Ban An toàn giao thông, Công an và Sở Giao thông Vận tải địa phương triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn. Bên cạnh việc phát thanh tuyên truyền, phổ biến kiến thức để người dân chấp hành các quy định đảm bảo an toàn giao thông đường sắt, ngành đường sắt còn tổ chức ký cam kết đồng thời xử lý tình trạng ném đất, đá lên tàu.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng – Văn phòng Luật sư Kết Nối (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, ném đá lên tàu là hành vi trái pháp luật. Hành vi này hủy hoại tài sản, có thể gây thương tích cho lái tàu và hành khách.

Việc lái tàu bị thương tích do ném đã cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn giao thông chạy tàu, do đó cần phải xử lý nghiêm hành vi ném đá lên tàu. Căn cứ vào tính chất, mức độ và hậu quả, nếu thiệt hại dưới 2 triệu đồng thì có thể xử phạt hành chính từ 3 - 5 triệu đồng.

Nếu thiệt hại trên 2 triệu đồng sẽ bị khởi tố hành sự về tội hủy hoại tài sản, tùy theo mức độ và hậu quả. Trường hợp gây thương tích cho hành khách và lái tàu sẽ khởi tố về tội cố ý gây thương tích.

“Cần phải tăng cường tuyên truyền, giáo dục để phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm, đồng thời cần xác minh điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm”, luật sư Hùng khuyến cáo.

Lượt xem: 10
Nguồn:laodong.vn Sao chép liên kết