Người mắc bệnh thận và tiểu đường có nên ăn khoai tây không?
Mặc dù khoai tây là một món ăn bổ dưỡng, nhưng người mắc bệnh thận và tiểu đường cần kiểm soát lượng tiêu thụ.
Theo bà Preeti Nagar, chuyên gia dinh dưỡng tại Viện Khoa học Y tế Quốc tế Noida (Ấn Độ), khoai tây khi được nấu chín đúng cách thường an toàn và phù hợp với nhiều người.
Tuy nhiên, khoai tây chứa hàm lượng kali cao nên những người mắc bệnh thận cần đặc biệt lưu ý. Trong điều kiện bình thường, thận sẽ đảm nhận nhiệm vụ lọc và đào thải kali qua đường nước tiểu.
Nhưng với những người bị suy giảm chức năng thận, quá trình này không diễn ra hiệu quả, dẫn đến tình trạng tích tụ kali trong máu, còn gọi là tăng kali máu. Việc ăn quá nhiều khoai tây có thể gây nguy hiểm và làm bệnh tình trở nên trầm trọng hơn.
Ngoài ra, khoai tây có chỉ số đường huyết (GI) khá cao, dao động từ 77 đến 87, tùy thuộc vào cách chế biến. Cụ thể, khoai tây luộc có GI là 78, trong khi khoai tây nghiền đạt mức 87. Vì vậy, những người mắc bệnh tiểu đường cần cẩn trọng khi tiêu thụ khoai tây.
Dù vậy, chuyên gia dinh dưỡng cho rằng người bệnh không cần kiêng hoàn toàn, mà chỉ cần điều chỉnh lượng ăn sao cho hợp lý, tránh gây ảnh hưởng đến đường huyết.