“Vầng trăng Cổ nhạc” lần thứ 228: Lắng sâu giai điệu phương Nam

Chương trình “Vầng trăng Cổ nhạc” lần thứ 228 với chủ đề “Tình ca phương Nam” vừa được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh. Chương trình thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả, người hâm mộ nghệ thuật truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa Nam Bộ…

Vầng trăng Cổ nhạc” là hoạt động văn hóa, nghệ thuật định kỳ, phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật, vui chơi giải trí của nhân dân.

 Sân khấu “Vầng trăng Cổ nhạc” lần thứ 228 thể hiện nét đẹp sâu lắng, gợi nhớ một vùng sông nước phương Nam

Sân khấu “Vầng trăng Cổ nhạc” lần thứ 228 với chủ đề “Tình ca phương Nam”, diễn ra trong tháng 10-2022 đã đưa khán giả đến với vẻ đẹp của tình đất và tình người phương Nam qua những ca khúc mang âm hưởng dân ca Nam Bộ, như: “Bài ca đất phương Nam”, “Tình ca phương Nam”, “Về phương Nam”... Bên cạnh đó là những ca khúc về TP Hồ Chí Minh như: “TP Hồ Chí Minh thương và nhớ”, “Xin chào thành phố”, Thành phố trong tôi”… cùng một số tiểu phẩm về chủ đề hạnh phúc.

Âm hưởng da diết, lắng sâu tạo cảm xúc đằm thắm, lắng đọng, dậy lên hào khí, khát vọng mới của vùng đất phương Nam và thành phố năng động, sáng tạo, đổi mới không ngừng trong thời kỳ hội nhập.

 Các nghệ sĩ thể hiện những ca khúc mang âm hưởng dân ca Nam Bộ, truyền thông điệp, cảm xúc về tình yêu quê hương, đất nước.

Những câu hò, giai điệu “xự - xang - xê - cống” có truyền thống lâu đời trong đời sống văn hóa đồng bào Nam Bộ, được thể hiện qua giọng hát của các nghệ sĩ: NSND Thanh Tuấn, NSƯT Phượng Hằng, NSƯT Cẩm Tiên, NSƯT Trọng Phúc, NSƯT Vân Khánh, Như Huỳnh, Võ Minh Lâm, Chí Tâm, Bảo Trí, Thanh Hồng, Dũng Nhí, Nhã Thy, Minh Trường, Ngọc Diễm, Tống Yến Nhi, Ngọc Trinh, Cao Hồng Nhi; ca sĩ Nguyễn Phi Hùng, Quốc Đại, Thiên Hương, Tống Hạo Nhiên, Phan Ngọc Luân …

“Vầng trăng Cổ nhạc” lần thứ 228 tiếp tục truyền gửi tình cảm dạt dào về miền Nam dấu yêu với những con người hiền hòa, mến khách, với sông nước hữu tình tạo nên nét duyên đặc sắc khiến ai đặt chân đến một lần sẽ mang theo nỗi nhớ dài lâu. Cũng vì thế nên người miền Nam đi xa luôn da diết nhớ thương vùng quê bình dị, nhớ hương tràm thơm ngát, nhớ dòng sông bến nước, con đò, nhớ con cá, bó rau trong bữa cơm chiều mùa nước nổi, nhớ người con gái áo bà ba, quấn khăn rằn và tiếng ca ngọt ngào dễ mến...

 Phần múa minh họa làm cho các tiết mục trong “Vầng trăng Cổ nhạc” thêm sinh động, hấp dẫn.

Chia sẻ tại chương trình, các nghệ sĩ đều có chung cảm xúc tự hào vì được gắn bó với “Vầng trăng Cổ nhạc” suốt bao năm qua. Với họ, được đứng trên sân khấu cống hiến vì nghệ thuật, bồi đắp cho sức sống của nghệ thuật truyền thống Nam Bộ là niềm hạnh phúc to lớn

Tin, ảnh: DƯƠNG DIỄM