Fed hạ lãi suất sẽ ảnh hưởng như thế nào đến thị trường chứng khoán, nhà đầu tư nên mua cổ phiếu nào?
Sau khi Fed thay đổi định hướng chính sách tiền tệ và giảm lãi suất 50 điểm cơ bản, giờ là lúc các nhà đầu tư đánh giá lại các cổ phiếu trong danh mục.
Gia tăng biến động?
Hôm 18/9, các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã thực hiện đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên kể từ tháng 3/2020. Trong hơn một năm trước đó, Fed phải duy trì lãi suất ở mức cao nhất trong hơn hai thập kỷ để đối phó với lạm phát.
Theo lý thuyết, lãi suất giảm là tin tốt với thị trường chứng khoán. Chi phí đi vay thấp hơn giúp giải phóng nguồn tiền để doanh nghiệp tái đầu tư vào hoạt động kinh doanh và hoàn trả cho cổ đông. Tuy nhiên, động thái giảm lãi suất của Fed cũng có thể có ý nghĩa tiêu cực về nền kinh tế.
Tính chung cho cả tuần vừa qua, chỉ số Dow Jones, Nasdaq và S&P 500 lần lượt tăng 1,6%, 1,5% và 1,4%. Và cả Dow Jones lẫn S&P 500 đều lập kỷ lục mới.
Theo dữ liệu của LPL Fiancial kể từ thập niên 1970, trung bình chỉ số S&P 500 tăng 5,5% trong vòng 12 tháng sau một đợt cắt giảm lãi suất của Fed. Nhưng một số chuyên gia cảnh báo chứng khoán Mỹ sẽ gặp nhiều biến động hơn trong những tháng tới trong khi Phố Wall đối mặt với một số bất ổn.
Thị trường lao động vẫn mạnh mẽ khi so với số liệu lịch sử nhưng đã suy yếu trong những tuần gần đây. Lạm phát hạ nhiệt đáng kể nhưng vẫn chưa quay trở về mục tiêu 2% của Fed. Giới đầu tư chưa thể khẳng định chắc chắn liệu nền kinh tế Mỹ có thể tránh được suy thoái hay không.
Ông Jeff Buchbinder, Giám đốc đầu tư cổ phiếu tại LPL Financial, viết trong lưu ý: “Nền kinh tế Mỹ vẫn có thể hạ cánh mềm. Tuy nhiên, một số người lo lắng rằng Fed có lẽ đã không hạ lãi suất đủ nhanh và khả năng chính sách của Mỹ sẽ thay đổi sau cuộc bầu cử tổng thống, cả hai đều có nguy cơ khiến thị trường biến động mạnh trong mùa thu”.
Cổ phiếu an toàn
Theo tờ CNN, nhiều khả năng Fed sẽ không giảm lãi suất quyết liệt như khi tăng, trừ khi nền kinh tế lao dốc và cần nới lỏng các điều kiện tài chính.
Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng cảnh báo thị trường không nên kỳ vọng Fed sẽ tiếp tục duy trì tốc độ giảm lãi suất 50 bps tại mỗi cuộc họp. Giới chức Fed dự kiến sẽ hạ lãi suất tổng cộng 50 bps tại hai cuộc họp cuối cùng của năm 2024. Trong năm 2025, Fed có thể sẽ giảm lãi suất 100 bps.
Thêm nữa, các đợt cắt giảm lãi suất không tạo ra tác động đến nền kinh tế ngay lập tức mà cần có thời gian. Tuy lãi suất vay thế chấp mua nhà và lợi suất trái phiếu đã bắt đầu đi xuống, doanh nghiệp và người tiêu dùng có lẽ vẫn chưa cảm nhận được tác động rõ rệt từ động thái mới nhất của Fed.
Các lĩnh vực phòng thủ như y tế, tiện ích và hàng tiêu dùng thiết yếu thường diễn biến vượt trội so với thị trường chung trong 6 tháng đầu của chu kỳ giảm lãi suất, Giám đốc Buchbinder của LPL cho hay.
Tuy Chủ tịch Powell khẳng định nền kinh tế Mỹ vẫn mạnh khỏe và đợt cắt giảm mới nhất chỉ nhằm “hỗ trợ thị trường lao động”, Fed có xu hướng hạ lãi suất khi nền kinh tế đang suy yếu. Vậy nên có thể các nhà đầu tư sẽ đổ xô vào các nhóm cổ phiếu thường được coi là an toàn trong chu kỳ giảm lãi suất.
Ông Eric Diton, Giám đốc điều hành của Wealth Alliance, khuyến nghị nhà đầu tư nắm giữ các cổ phiếu có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao. Cổ phiếu công nghệ nhận được cú hích sau khi Fed giảm lãi suất. Trong tuần vừa qua, giá Tesla, Meta và Apple lần lượt tăng 3,5%, 7% và 2,6%.
Cũng theo vị giám đốc, các nhà đầu tư đã nắm giữ lượng lớn cổ phiếu Big Tech trong danh mục nên để mắt đến những cổ phiếu bị tụt hậu trong thời gian qua nhưng có thể được hưởng lợi từ lãi suất thấp hơn.
Ví dụ, các cổ phiếu vốn hóa nhỏ thường sẽ diễn biến tích cực hơn khi lãi suất đi xuống vì những công ty đó thường có lượng lớn nợ vay theo lãi suất thả nổi. Chỉ số cổ phiếu vốn hóa nhỏ S&P SmallCap 600 tăng 2,2% trong tuần vừa qua.