Gỡ nút thắt trong đấu thầu, thông nguồn vốn phát triển kinh tế xã hội
Luật Đấu thầu 2023, có hiệu lực từ 1.1.2024 đã góp phần quan trọng tháo gỡ nhiều vướng mắc trong hoạt động đấu thầu, từ đó đưa dòng vốn vào vận hành phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, qua gần 1 năm thực hiện đã xuất hiện “điểm nghẽn” cần sớm được tháo gỡ, để khơi thông các nguồn lực phát triển.
Người bệnh chạy đôn, chạy đáo mua thuốc, vật tư y tế
Bệnh nhân phải mua từng chiếc kim tiêm, dây truyền dịch ở bên ngoài bệnh viện, bệnh nhân được chỉ định mổ nhưng phải chờ tới vài tháng do thiếu thuốc, vật tư y tế... đây là thực tế đã từng xảy ra. Đến đầu năm 2024, khi Luật Đấu thầu có hiệu lực, Nghị định hướng dẫn của Chính phủ và hàng loạt thông tư hướng dẫn được ban hành, tình trạng này dần được tháo gỡ. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại vẫn còn những khó khăn trong việc triển khai, dẫn đến thiếu thuốc, vật tư y tế cục bộ ở một số nơi.
Ghi nhận của phóng viên Lao Động những ngày cuối tháng 10.2024 tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế vẫn tồn tại. "Từ sáng đến giờ có mấy bệnh nhân được chuyển đi sang viện khác vì thiếu vật tư, không mổ được. Có bệnh nhân được chuyển sang Bệnh viện Bạch Mai, có ca chuyển sang Bệnh viện 108. Người thân của tôi đi khám cột sống từ 2 tuần trước, bác sĩ hẹn 2 tuần sau mới có thể mổ được" - anh Nguyễn Văn Minh (quê Hà Nam), người nhà bệnh nhân tại Bệnh viện Việt Đức chia sẻ.
Bệnh nhân Nguyễn Quang Hùng ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội (tên nhân vật đã được thay đổi theo yêu cầu - PV) được kê đơn thuốc điều trị bệnh viêm gan với 2 loại thuốc là Myvelpa 400/100mg (thuốc kê đơn điều trị viêm gan C mạn tính) và Legalon 70 (được chỉ định dùng điều trị hỗ trợ trong tổn thương gan). Thế nhưng, anh Hùng đi khắp các nhà thuốc trong bệnh viện đều không thể mua được. Quay lại khoa nói không có thuốc, bác sĩ bảo anh phải ra hiệu thuốc bên ngoài viện mới có. Anh Hùng lại tiếp tục đi các nhà thuốc ngoài cổng bệnh viện để mua.
Tại khoa Phẫu thuật Cột sống, nhiều bệnh nhân sử dụng "gói giảm đau" sau phẫu thuật, nhưng người nhà bệnh nhân phải ra ngoài mua một số vật tư rồi quay lại khoa để người bệnh được điều trị. Nhân viên y tế đã ghi sẵn một số loại vật tư vào mảnh giấy nhỏ, đưa người nhà đi mua. Trong phiếu nhỏ có ghi Catset giảm đau, 1 sợi chỉ Dafilon 3.0...
"Tôi vừa đi ra ngoài cổng viện mua một số thứ bác sĩ kê cho trong mảnh giấy này, xong rồi mang vào khoa để cho người nhà được điều trị giảm đau. Vì bệnh viện không có đủ vật tư nên cứ phải chạy đôn, chạy đáo đi ra ngoài mua như vậy, từ thuốc giảm đau đến sợi chỉ" - anh Vũ Văn Bách - người nhà bệnh nhân vừa phẫu thuật tại Bệnh viện Việt Đức chia sẻ với phóng viên Lao Động.
Trước đó, thời điểm đầu năm 2024, Báo Lao Động cũng đã phản ánh việc nhiều người bệnh mỏi mòn chờ mổ tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, thậm chí có thời điểm bệnh nhân đã lên bàn mổ rồi nhưng được bác sĩ thông báo thiếu vật tư y tế và chờ đợi suốt gần nửa năm qua vẫn chưa được xếp lịch.
Bệnh nhân Nguyễn Quốc Anh ở Nghệ An (tên nhân vật được thay đổi theo yêu cầu - PV) nhớ lại: "Đầu năm 2024 tôi bị gãy xương gò má. Ban đầu, tôi vào bệnh viện tuyến dưới cấp cứu với hy vọng có thể điều trị ngay tại địa phương. Sau khi xem xét bệnh tình, bác sĩ tư vấn quyết định chuyển tôi lên Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) với mong muốn ca phẫu thuật nhanh hơn. Chờ đợi mãi mới làm xong thủ tục chuyển tuyến nhưng khi nhập viện bác sĩ nói không có vật tư và không biết khi nào mới có. Tôi cũng tham khảo nhiều bệnh nhân trên các nhóm cộng đồng, có người chờ đến 6-7 tháng, vậy nên tôi đành ra bệnh viện tư để mổ".
Nhiều bất cập về giá, công tác đấu thầu
Việc thiếu thuốc, vật tư dù không xảy ra trên diện rộng và chỉ rơi vào một số loại thuốc không thể thay thế, nhưng cũng làm ảnh hưởng quyền lợi và gây phiền hà cho người bệnh. Và một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư là việc các hãng thuốc, hay nhà phân phối không mặn mà tham gia đấu thầu. Lý do là Luật Đấu thầu 2023 đã trao quyền chủ động cho các chủ đầu tư, nhưng cơ sở y tế băn khoăn vì không tìm được đơn vị tư vấn thẩm định giá, không biết lựa chọn mức giá trung bình, cao nhất hay thấp nhất trong báo giá để lập giá gói thầu, hay lúng túng với gói thầu có giá trị lớn, nhiều mặt hàng... nên vẫn duy trì áp dụng giá thấp nhất.
Tuy nhiên với các nhà thầu, với giá như vậy họ không thể vào thầu vì giá cả thị trường biến động, nguồn nguyên liệu bị gián đoạn... nếu tham gia giá thầu như vậy họ sẽ không có lãi. Khi không thấy có lợi ích kinh tế thì họ sẽ không tham gia đấu thầu, dẫn đến nguồn cung ứng không đảm bảo.
Ngoài những bất cập về giá, từ thực tiễn triển khai tại đơn vị, Thạc sĩ Trần Thị Trà Giang, Trưởng Đơn vị Quản lý đấu thầu, Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh chỉ ra các bất cập trong công tác đấu thầu thuốc tại bệnh viện.
Theo quy định trong Luật Đấu thầu 2023, mỗi sản phẩm trúng thầu trong nhà thuốc bệnh viện chỉ được mua sắm trực tiếp một lần. Quy định như vậy là chưa phù hợp, có thể gây khó khăn cho việc cung ứng. Bởi còn phụ thuộc vào nhu cầu sử dụng của người bệnh, nếu chỉ mua một lần thì có thể xảy ra trường hợp lúc cao điểm cần nhiều loại thuốc này, nhưng lại chưa thể đấu thầu được ngay. Vì vậy nên sửa quy định theo hướng nhà thuốc bệnh viện được phép gọi hàng và nhập thuốc với thuốc đã công khai giá trên mạng chứ không cần đấu thầu. Quy định này phải sửa đổi ngay, nếu không các nhà thuốc bệnh viện không thể phục vụ kịp thời bệnh nhân.
Liên quan đến các vấn đề phát sinh khi thiếu thuốc, vật tư y tế tại các cơ sở y tế, TS Vương Ánh Dương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) - cho biết, tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế trong các cơ sở y tế trong thời gian vừa qua do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau. Theo kết quả khảo sát từ hơn 600 bệnh viện, khoảng 30% thuốc hiếm mà bệnh viện đang thiếu không nằm trong danh mục thuốc hiếm được BHYT chi trả. Bộ Y tế sẽ có đề xuất để sửa một số quy định bất cập trong Luật Đấu thầu liên quan đến lĩnh vực y tế, cũng như có thêm hướng dẫn trong khâu tổ chức thực hiện để luật đi vào cuộc sống.
Nhiều nguồn lực bị ách tắc
Không chỉ trong lĩnh vực y tế, nhiều lĩnh vực khác trong đời sống kinh tế - xã hội cũng đang gặp vướng, một phần do vướng mắc về mặt thể chế, phần còn lại do tâm lý sợ sai, sợ chịu trách nhiệm của người thực hiện. Điều này khiến Luật Đấu thầu 2023 từng được kỳ vọng sẽ giải quyết các rào cản, để dòng vốn đầu tư công sớm chảy vào nền kinh tế, nhưng lại vẫn bị ách tắc. Đây là những nút thắt, cần được tháo gỡ đồng bộ, để khơi thông nguồn lực phát triển.
Đơn cử như trong lĩnh vực đầu tư. Theo số liệu của Bộ Tài chính cung cấp, tính đến ngày 30.9.2024, tổng số vốn nước ngoài (ODA) chưa phân bổ chi tiết còn hơn 2.000 tỉ đồng (trên tổng số 20.000 tỉ đồng đã được phê duyệt).
Về tiến độ giải ngân, từ đầu năm nay vốn ODA mới được hơn 4.800 tỉ đồng, chỉ đạt 24,33% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tình trạng này cũng khá tương đồng với cùng kỳ năm 2023 (cũng chỉ đạt 28,37%)…
Nhiều chuyên gia phân tích, việc phân bổ vốn chưa đạt được tiến độ như kỳ vọng chủ yếu do nhiều dự án chưa hoàn thành thủ tục đầu tư theo quy định, vướng mắc trong việc thẩm định giá thiết bị và cơ chế đấu thầu chưa hiệu quả.
Ví dụ như tại tỉnh Bến Tre có 2 dự án sử dụng nguồn vốn ODA là: Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bến Tre và Dự án phát triển chuỗi công nghệ thông minh thích hợp với biến đổi khí hậu. Đến tháng 5.2024, tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư nguồn nước ngoài của 2 dự án này đạt 26,6 tỉ đồng. Tỉ lệ giải ngân đạt thấp do năm 2024 tỉnh Bến Tre được bố trí vốn nhưng năm 2023 tổ chức đấu thầu không đạt. Hiện tỉnh đang hoàn chỉnh lại hồ sơ mời thầu để tiếp tục triển khai dự án.
Vướng mắc trong Luật Đấu thầu hiện hành khiến nhiều hoạt động kinh tế khó đi vào thực tiễn. Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, lĩnh vực ngân hàng có nhiều yếu tố đặc thù do đó không thể áp dụng hình thức lựa chọn đấu thầu rộng rãi.
Tiêu biểu gói thầu mua dịch vụ của công ty xếp hạng tín dụng (mua quyền khai thác trực tuyến thông tin từ các công ty xếp hạng có uy tín trên thế giới). Gói thầu này có tính chuyên môn cao trong lĩnh vực phân tích tài chính quốc tế và đòi hỏi nền tảng kỹ thuật hiện đại, cho phép truy cập khối lượng dữ liệu lớn, bảo mật thông tin khách hàng, không phải bất kỳ công ty xếp hạng tín dụng nào cũng đáp ứng.
Hiện nay, chỉ có 3 công ty Moody's, S&P và Fitch đáp ứng yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước và việc sử dụng dịch vụ của các công ty này trong thời gian tới là cần thiết, bảo đảm cho công tác quản lý dự trữ ngoại hối được an toàn, hiệu quả. Tuy nhiên, nếu tổ chức lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật Đấu thầu 2023 và công ty xếp hạng nhỏ trúng thầu thì một số đối tác của Ngân hàng Nhà nước không được xếp hạng, ảnh hưởng tới danh mục đầu tư, hiệu quả quản lý dự trữ ngoại hối.
Hay với gói thầu mua dịch vụ hệ thống thanh toán quốc tế, việc lựa chọn nhà thầu theo quy định hiện hành của Luật Đấu thầu cũng không khả thi. Nguyên nhân là do Hiệp hội SWIFT không phải là nhà thầu và sẽ không tham gia đấu thầu. Hơn nữa, Dịch vụ qua hệ thống SWIFT là dịch vụ độc quyền. Hình thức đặt hàng trực tiếp (e-order) qua trang điện tử của Hiệp hội SWIFT không giống với bất kỳ hình thức lựa chọn nhà thầu nào theo quy định của Luật Đấu thầu.
Những vướng mắc trên đã và đang khiến nhiều dự án chưa được vận hành, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm lại, gây khó khăn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
Nên đấu thầu tập trung
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Vũ Hữu Quang - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk - cho biết, hiện nay, Đắk Lắk cơ bản đáp ứng khá đủ thuốc, vật tư cho người bệnh.
Tuy nhiên, khó khăn nhất của địa phương là giao cho các cơ sở tuyến huyện đấu thầu. Năng lực không đủ, nhân viên không đủ, kể cả vận động hết bác sĩ tham gia vào đấu thầu nhưng không phải ai cũng hiểu chuyên môn dược.
Cái khó thứ 2 là các đơn vị ở xa, gói thầu rất nhỏ nên nhiều loại thuốc mà một tháng sử dụng chỉ có vài lần, nên không đơn vị nào tham gia đấu thầu, dẫn đến thiếu. Để giải quyết tình trạng này, Sở Y tế đã tổ chức đấu thầu tập trung với một số mặt hàng đặc biệt. Việc này vừa tiết kiệm nhân lực, vật lực, thời gian tham gia vào công tác đấu thầu, vừa giải quyết nhanh chóng nhu cầu sử dụng thuốc và vật tư của người bệnh.
Giải pháp để khơi thông nguồn lực
Từ việc phân tích các nguyên nhân, khó khăn trong Luật Đấu thầu, Báo Lao Động kiến nghị một số giải pháp để tháo gỡ khó khăn về mặt thể chế, vướng mắc trong luật, nhằm sớm giải phóng các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội.
Đề xuất cơ chế đặc biệt cho lĩnh vực y tế, ngân hàng
Để sớm tháo gỡ khó khăn trong đấu thầu lĩnh vực y tế cần sửa đổi Điều 55 Luật Đấu thầu 2023 theo hướng quy định: Đối với việc mua thuốc để bán lẻ tại cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên của cơ sở y tế công lập, trường hợp áp dụng mua sắm trực tiếp, chủ đầu tư được áp dụng nhiều lần đối với một hoặc các loại thuốc.
Với lĩnh vực ngân hàng, cần sớm sửa đổi Điều 29 Luật Đấu thầu 2023. Trong đó, bổ sung các gói thầu được áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt tại khoản 1 Điều 29 Luật Đấu thầu, gồm: Gói thầu mua dịch vụ của các công ty xếp hạng tín dụng quốc tế; gói thầu mua dịch vụ thanh toán quốc tế được cung cấp độc quyền bởi Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu SWIFT; gói thầu mua dịch vụ của các công ty cung cấp dịch vụ thông tin tài chính - tiền tệ quốc tế và nền tảng giao dịch.
Gỡ khó cho dự án có vốn nước ngoài
Để gỡ vướng cho dự án có vốn nước ngoài, thu hút các nguồn lực đầu tư vào phát triển kinh tế - xã hội, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, với mục tiêu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Luật Đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị cho phép sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 42 Luật Đấu thầu theo hướng: Cho phép ký kết hợp đồng thương mại trước khi ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận vay nước ngoài đối với gói thầu thuộc dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi theo quy định của nhà tài trợ nước ngoài và sau khi dự án đã hoàn thành thủ tục đầu tư.
Đồng thời, kiến nghị sửa đổi quy định tại khoản 11 Điều 4, Điều 11 và Điều 22 Luật Đấu thầu theo hướng cho phép nhà thầu thuộc danh sách các quốc gia hợp lệ được tham dự đấu thầu trong nước và áp dụng các hình thức đấu thầu quốc tế, đấu thầu hạn chế trong trường hợp nhà tài trợ vốn cho dự án, gói thầu có yêu cầu áp dụng các hình thức này theo quy định ràng buộc của nhà tài trợ.
Bên cạnh đó, cần bổ sung áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng (khoản 1 Điều 29 Luật Đấu thầu) một số trường hợp khác cần bổ sung hình thức này như: Gói thầu cung cấp dịch vụ tổ chức các hội nghị, hội thảo, đại hội, tập huấn (phục vụ ăn, nghỉ cho đại biểu; cho thuê hội trường, phòng họp và các dịch vụ liên quan như trang trí, khánh tiết, nước uống...) mà do yêu cầu thực tế phải bố trí địa điểm ăn, nghỉ tập trung cho đại biểu và đáp ứng yêu cầu tiến độ cần thực hiện gấp; Gói thầu sản xuất phim; Gói thầu phục vụ công tác đối ngoại đón đoàn khách quốc tế thăm và làm việc tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về nghi lễ đối ngoại và gói thầu mua tặng phẩm đối ngoại cho Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương đi công tác nước ngoài.
Nên sửa đổi điểm i khoản 1 Điều 29 theo hướng quy định: Trường hợp dự án, gói thầu có điều kiện đặc thù về quy trình, thủ tục, tiêu chí lựa chọn nhà thầu, điều kiện ký kết và thực hiện hợp đồng không thuộc quy định tại Luật Đấu thầu thì bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phương án lựa chọn nhà thầu...
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng kiến nghị, nhằm đơn giản hóa Luật Đấu Thầu cần sửa đổi Điều 45 theo hướng quy định: Đối với gói thầu tư vấn đơn giản hoặc gói thầu có giá trị không quá 500 triệu đồng hoặc gói thầu cấp bách cần thực hiện ngay do yêu cầu về tiến độ thì thời gian chuẩn bị hồ sơ dự thầu có thể quy định tối thiểu là 9 ngày đối với đấu thầu trong nước nhằm rút ngắn thời gian thực hiện gói thầu, dự án, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.
Ông Nguyễn Duy Hồng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Minh Dương: Với tư cách là nhà thầu, chúng tôi cho rằng, Luật Đấu thầu 2023 đã có nhiều tiến bộ so với trước đây góp phần tháo gỡ khó khăn trong các hoạt động đấu thầu, nhất là trong lĩnh vực xây dựng.
Tất nhiên, trong quá trình triển khai luật cũng còn 1 vài điểm cần phải sửa đổi theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thực hiện đấu thầu. Chúng tôi hy vọng, thời gian tới các vấn đề này tiếp tục được sửa đổi để các dự án sớm triển khai trên thực tế.