Nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới có thể gây khó cho Nga
Động thái của nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới Saudi Arabia có thể đe dọa đến ngân sách của Nga trong bối cảnh căng thẳng.
Saudi Arabia có thể gây khó cho ngân sách của Nga bằng cách công bố tăng sản lượng dầu. Động thái này có thể sẽ dẫn đến giá dầu giảm, một yếu tố quan trọng trong ngân sách của Nga.
Tờ Financial Times đưa tin, Saudi Arabia có kế hoạch từ bỏ mục tiêu giá dầu, trước đây được đặt ở mức 100 USD/thùng, để chuẩn bị cho việc tăng sản lượng.
Vương quốc này có kế hoạch tăng sản lượng bắt đầu từ tháng 12 năm nay và sẵn sàng hạ giá dầu.
Theo thông báo, Saudi Arabia sẽ tăng sản lượng trung bình hàng ngày thêm 83.000 thùng mỗi tháng. Bắt đầu từ tháng 12 năm 2025, sản lượng sẽ tăng thêm 1 triệu thùng. Hiện tại, vương quốc này sản xuất 8,9 triệu thùng dầu mỗi ngày.
Quyết định này được đưa ra bất chấp việc các thành viên OPEC+ trước đó đã cắt giảm sản lượng nhằm mục đích giữ giá ở mức cao. Giá dầu thô Brent đã giảm xuống dưới 70 USD vào đầu tháng 9, mức thấp nhất kể từ tháng 12.2021.
Việc Saudi Arabia tăng sản lượng dầu, đặc biệt là khi kết hợp với giá dầu giảm, có khả năng gây tổn hại đến nền kinh tế Nga.
Các chuyên gia nói với Newsweek rằng, động thái của Saudi Arabia sẽ "gây căng thẳng" cho ngân sách của Nga khi nước này tiếp tục chiến dịch quân sự ở Ukraina.
Orysia Lutsevych - Trưởng Diễn đàn Ukraina tại Chatham House - nói với Newsweek, dầu khí vẫn là một trong những nguồn thu ngân sách chính của Nga.
Cho đến nay, bất chấp mức giá trần do EU áp đặt, Nga vẫn xoay xở để tăng các nguồn thu đó, đây là chìa khóa để tài trợ cho chiến dịch quân sự của nước này ở Ukraina. Giá dầu giảm, nếu giảm đáng kể, sẽ gây thêm căng thẳng cho ngân sách của Nga.
Thông báo của Saudi Arabia đánh dấu sự kết thúc của một thỏa thuận không chính thức giữa Riyadh và Mátxcơva kéo dài hơn 1 năm. Thỏa thuận liên quan đến việc hạn chế sản xuất trong khuôn khổ OPEC+ để đẩy giá dầu lên cao.
Thỏa thuận này vốn khiến phương Tây lo ngại. Mối quan hệ chặt chẽ giữa người thừa kế ngai vàng của vương quốc, Thái tử Mohammed bin Salman, và Tổng thống Nga Vladimir Putin, cùng sự xoay trục của Riyadh sang Mátxcơva cũng gây lo ngại, vì Riyadh từng là đồng minh thân cận của Washington.
Mátxcơva và Riyadh xích lại gần nhau hơn nhờ sự mở rộng của Mỹ trên thị trường năng lượng, đặc biệt là trong sản xuất khí đá phiến và dầu. Chính sự hội tụ lợi ích dầu mỏ này đã dẫn đến sự mở rộng của liên minh dầu mỏ và sự hình thành của OPEC+ vào năm 2016.
Giờ đây, theo Newsweek, lợi ích của Saudi Arabia đã thắng thế. Nếu Riyadh thực sự tăng sản lượng, giá dầu Brent năm 2025 có thể giảm xuống dưới 60 USD một thùng.